Trụ vững sau bão Yagi, Bảo hiểm PVI tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu bảo hiểm phi nhân thọ

Mặc dù mức thiệt hại do bão Yagi gây ra là lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI cho biết đã hoàn thành 75% mục tiêu lãi cả năm sau 9 tháng.

Bão Yagi khiến Bảo hiểm PVI chịu mức tổn thất khoảng hơn 3.500 tỷ đồng, do tham gia bảo hiểm cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều dự án lớn.

Bão Yagi khiến Bảo hiểm PVI chịu mức tổn thất khoảng hơn 3.500 tỷ đồng, do tham gia bảo hiểm cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều dự án lớn.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 9 tháng năm 2024, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (mã cổ phiếu PVI - sàn HNX) cho biết, sau 3 quý, tổng doanh thu đạt 15.539 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 561,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 45,2% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, hoàn thành 97,5% mục tiêu doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trước đó, báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm cho thấy tổng doanh thu của Bảo hiểm PVI đạt 12.016 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 502 tỷ đồng. Như vậy, mức lợi nhuận trước thuế của tổng công ty trong quý 3/2024 ước đạt 59,3 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết kết quả kinh doanh quý 3 có phần chậm lại so với giai đoạn nửa đầu năm, chủ yếu do tác động của cơn bão số 3 (Yagi).

Bão Yagi đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của ngành bảo hiểm nói chung. Tổng số tiền ước tính thiệt hại do cơn bão và lũ lụt gây ra tạm thời lên tới hơn 13.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng Bảo hiểm PVI chịu mức tổn thất khoảng hơn 3.500 tỷ đồng, do tham gia bảo hiểm cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhiều dự án lớn. Đây là con số thiệt hại lớn nhất từ cơn bão Yagi trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Tính đến ngày 11/10/2024, Bảo hiểm PVI cho biết đã tạm ứng chi trả cho khách hàng với số tiền là 75 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bảo hiểm PVI cũng cho biết tổng công ty tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVI của Bảo hiểm PVI từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVI của Bảo hiểm PVI từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trong 9 tháng đầu năm nay, Bảo hiểm PVI đã thực hiện thành công 02 lần tăng vốn, từ mức 3.300 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng. Qua đó, trở thành đơn vị có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhận thọ hiện nay, và bỏ khá xa so với các đơn vị xếp sau như Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt (BVH, 2.900 tỷ đồng), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC, 1.727 tỷ đồng).

Trong một diễn biến có liên quan, HDI Global SE, cổ đông chiến lược và cũng là cổ đông lớn nhất Bảo hiểm PVI, đã mua thêm gần 2,78 triệu cổ phiếu PVI hồi giữa tháng 9/2024. Qua đó, nâng tỷ lệ chi phối tại Bảo hiểm PVI lên mức 42,33%.

HDI Global SE (HDI) là công ty con của Tập đoàn Talanx - tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia hàng đầu của Đức, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm và quản lý tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp.

Động thái gia tăng sở hữu của HDI Global SE diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang có kế hoạch thoái vốn tại Bảo hiểm PVI. Petrovietnam hiện đang chi phối 35% vốn cổ phần của Bảo hiểm PVI.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tru-vung-sau-bao-yagi--bao-hiem-pvi-tiep-tuc-giu-vi-tri-dan-dau-bao-hiem-phi-nhan-tho-128866.htm