'Trục kháng chiến' ở Trung Đông suy yếu, Iran sẽ phải thay đổi chiến lược?

Kể từ khi chiến sự bùng phát khắp Trung Đông, Israel liên tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm làm suy yếu đáng kể 'Trục kháng chiến' do Iran dẫn dắt. Vậy tiềm năng hiện nay của 'Trục kháng chiến' trong cuộc đối đầu với Israel như thế nào và có thể mong đợi gì từ Iran?

Lực lượng trong “Trục kháng chiến”

Thuật ngữ “trục ma quỷ” lần đầu tiên được sử dụng bởi Tổng thống Mỹ George W. Bush để chỉ Iran, Iraq và Triều Tiên trong thông điệp liên bang tháng 1-2002, gần một năm trước khi phát động chiến dịch nhằm vào Iraq. Kể từ đó cho đến nay, khái niệm này đã đặt nền móng cho một khái niệm mới mà sau này gọi là “trục kháng chiến” trong từ điển chính trị toàn cầu.

Cũng trong năm đó, một tờ báo của Libya có đăng bài tựa đề “Trục ma quỷ hay Trục kháng chiến”, trong đó mẫu số chung của ba nước là phản đối chính sách bá quyền của Mỹ.

 Ảnh minh họa: GI

Ảnh minh họa: GI

Tiến sĩ Ali Akbar Velaiti, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Iran (1981-1997) và cố vấn cho Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Khamenei, đã phát biểu vào năm 2010 về một “Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo chống lại Israel, trong đó có Hezbollah ở Lebanon, Hamas và Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sau này ông cũng mô tả cuộc nội chiến ở Iran là cuộc xung đột giữa “trục kháng chiến” với kẻ thù ở cấp khu vực và toàn cầu.

Nhưng “Trục kháng chiến” ngày nay là gì? Đây là liên minh hay là một mặt trận thống nhất giữa các lực lượng?

“Trục kháng chiến” bao gồm một nhóm các phong trào Hồi giáo dòng Shiite như Hezbollah ở Lebanon, các nhóm vũ trang Shiite ở Iraq và Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad; trong đó, Iran đóng vai trò trung tâm. Ngoài ra, phong trào Hamas của người Sunni đã gia nhập trục này, trở thành nhân tố đáng chú ý trong các cuộc xung đột ở Palestine.

 Hezbollah, nhóm được cho là mạnh nhất trong "Trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt đã suy yếu sau các cuộc tấn công của Israel. Ảnh: NBC

Hezbollah, nhóm được cho là mạnh nhất trong "Trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt đã suy yếu sau các cuộc tấn công của Israel. Ảnh: NBC

“Trục kháng chiến” luôn đối đầu với Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đáng chú ý là, mặc dù tuyên bố tuân thủ luật Hồi giáo, song IS vẫn giết hại cả những người Hồi giáo chống đối tổ chức của chúng, chứ không phải chỉ những đối thủ "ngoại đạo", như Israel và Mỹ.

Một đồng minh khác của “Trục kháng chiến” là phong trào Ansar Allah của Yemen, do Hussein al-Houthi thành lập năm 1990, hay được biết đến với các tên Houthi. Tổ chức này hiện đang kiểm soát thủ đô Sanaa và phần lớn lãnh thổ Yemen. Sau khi chiến sự giữa Hamas và Israel nổ ra vào ngày 7/10/2023, các chiến binh Houthi đã khiến Biển Đỏ “dậy sóng” cho việc vận chuyển hàng hải thông qua các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các tàu chở dầu và thương mại.

Hezbollah của Lebanon, được thành lập năm 1982 dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran, đã nhận được hỗ trợ tài chính và quân sự từ Tehran kể từ khi thành lập. Trong cuộc nội chiến ở Syria, lực lượng Hezbollah và cố vấn quân sự Iran đã tích cực ủng hộ chính quyền của ông Bashar al-Assad. Hơn nữa, sau khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria, “trục kháng chiến” đã tìm được đồng minh tạm thời ở Moscow.

Thế khó của Iran

Kể từ khi chiến sự Hamas và Israel ở Dải Gaza bùng nổ, mối quan hệ giữa Iran và Israel, cũng như bản chất của cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai nước, đã thay đổi. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bằng việc quyết định tấn công Lãnh sự quán Iran ở Damascus, đã tạo ra một thách thức mới cho Iran một cách hiệu quả - và điều này dẫn đến việc Tehran tấn công đáp trả nhà nước Do Thái bằng tên lửa và máy bay không người lái lần đầu tiên.

Điều này thực sự đã mở ra một chương mới trong quan hệ và xung đột của hai cường quốc khu vực này, dẫn đến phản ứng chung nhưng có kiểm soát của Israel dưới hình thức tấn công vào hệ thống radar S-300 của Iran.

 Israel đã tiêu diệt hầu hết các thủ lĩnh và chỉ huy của Hamas, cũng như phần lớn sức mạnh của nhóm chiến binh ở Gaza này. Ảnh: WSJ

Israel đã tiêu diệt hầu hết các thủ lĩnh và chỉ huy của Hamas, cũng như phần lớn sức mạnh của nhóm chiến binh ở Gaza này. Ảnh: WSJ

Vụ sát hại Ismail Haniyeh, lãnh đạo chính trị của Hamas, vào ngày 31 tháng 7 năm 2024, tại Tehran bởi người Israel và các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Beirut vào tháng 9 dẫn đến cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và khoảng 20 chỉ huy quân sự cấp cao, cũng như ít nhất một sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã trở thành tiền đề cho một loạt cuộc tấn công tên lửa khác của Iran vào Israel (1/10).

Trong hoàn cảnh này, truyền thông và chính giới Iran đặt câu hỏi về chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập kỷ của Iran nhằm tạo ra và hỗ trợ các nhóm ủy nhiệm trong khu vực, cũng như hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính và quân sự cho những nhóm này, nhằm tránh rơi vào cuộc chiến tranh trực tiếp với Israel, đã không đạt hiệu quả.

Tổ chức quân sự và chính trị lớn nhất trong “Trục kháng chiến”, Hezbollah, rõ ràng đã suy yếu đáng kể sau các cuộc tấn công của Israel vào tháng 9/2024 tiêu diệt hàng loạt chỉ huy cấp cao của tổ chức. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế lo ngại nếu Iran tiếp tục tấn công trực tiếp vào nhà nước Do Thái, đẩy khu vực Trung Đông rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện, nó sẽ tác động tiêu cực đến toàn thế giới, do tầm quan trọng của nguồn cung cấp năng lượng qua Vịnh Ba Tư.

Giới phân tích chính trị nhận định rằng, cho đến ngày 7/10/2023, “Trục kháng chiến” là một liên minh không chính thức của Iran cho phép nước này bảo đảm học thuyết chính sách đối ngoại và an ninh của mình. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra hiện nay, sự suy yếu của các nhóm dân quân Shiite ở Lebanon và Iraq, cũng như lực lượng Houthi ở Yemen, trong việc tự vệ trước Israel và NATO, gây ra những rủi ro chưa từng có đối với lợi ích chiến lược của Iran ở khu vực.

 Nhóm Houthi ở Yemen dù còn khá mạnh trong "Trục kháng chiến", song cũng đang bị kiềm chế bởi các hoạt động tấn công do liên minh do Mỹ và Vương quốc Anh dẫn đầu ở Biển Đỏ. Ảnh: Middle East Monitor

Nhóm Houthi ở Yemen dù còn khá mạnh trong "Trục kháng chiến", song cũng đang bị kiềm chế bởi các hoạt động tấn công do liên minh do Mỹ và Vương quốc Anh dẫn đầu ở Biển Đỏ. Ảnh: Middle East Monitor

Các điều kiện chính trị, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội ở Iran khiến một bộ phận người dân không hài lòng với chính quyền, thậm chí xu hướng bất ổn trong nước ngày càng gia tăng nếu Iran tiếp tục xung đột quân sự trực tiếp với Israel và các cuộc tấn công của quân đội Nhà nước Do Thái nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran.

Vì vậy, không loại trừ khả năng Iran sẽ xem xét lại quan điểm của mình đối với các nhóm ủy nhiệm, trong đó có Hezbollah. Iran có thể có cái nhìn khác về Nghị quyết số 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc rút lực lượng Hezbollah khỏi miền nam Lebanon, cũng như tiến trình giải giáp vũ khí của phong trào bán quân sự nhằm giảm mức độ leo thang hiện nay.

Rõ ràng, bất đồng quan điểm, xung đột lợi ích giữa các bên không ngừng gia tăng thời gian gần đây, khiến tình trạng “không chiến tranh, cũng không hòa bình” ở Trung Đông ngày càng mong manh. Sẽ không có giải pháp nào khác khả thi nếu không có đàm phán và tìm kiếm các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truc-khang-chien-o-trung-dong-suy-yeu-iran-se-phai-thay-doi-chien-luoc-post317612.html