Trưng bày những dấu tích về kinh thành Cổ Loa

Trưng bày 'Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa' mang đến cho du khách trong nước và quốc tế một cái nhìn sâu sắc về các dấu ấn lịch sử và văn hóa của Hà Nội.

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, ngày 8/10, tại Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa”.

Trưng bày giới thiệu hơn 100 tài liệu, hình ảnh về di tích Cổ Loa. Chủ đề 1 “Miền đất của người Việt cổ”, giới thiệu các dấu vết vật chất hiện còn ở Cổ Loa, minh chứng cho một tiến trình phát triển lâu dài, liên tục qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - đến đỉnh cao Đông Sơn với sự hình thành nhà nước Âu Lạc.

 Trưng bày giới thiệu hơn 100 tư liệu, hình ảnh về kinh thành Cổ Loa. Ảnh: L.Tấn

Trưng bày giới thiệu hơn 100 tư liệu, hình ảnh về kinh thành Cổ Loa. Ảnh: L.Tấn

Nội dung tư liệu, hình ảnh chủ đề 2 “Cổ Loa - Kinh thành, Quân thành, Thị thành” giới thiệu những chức năng nổi bật của Cổ Loa thời kỳ nhà nước Âu Lạc của vua An Dương Vương.

Chủ đề 3 “Không gian văn hóa đặc sắc” là sự tái hiện các sinh hoạt văn hóa, truyền thuyết dân gian, phong tục, tập quán, hội hè, ẩm thực truyền thống của người Việt cổ, cùng các thế hệ người Việt trải qua hàng nghìn năm, vẫn đang được bảo tồn và gìn giữ tại Cổ Loa.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa” giới thiệu các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được chắt lọc từ các công trình khoa học, nghiên cứu của các nhà khoa học, sưu tầm của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, các sưu tập ảnh tư nhân.

Trưng bày sẽ mang đến cho du khách trong nước và quốc tế một cái nhìn sâu sắc về các dấu ấn lịch sử và văn hóa của Khu di tích Cổ Loa.

Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử quý giá của Thủ đô và dân tộc, đã nhiều lần được chọn làm kinh đô của nước Việt (thời kỳ An Dương Vương thế kỷ III trước Công nguyên, thời Hậu Lý Nam Đế thế kỷ VI và thời kỳ Ngô Quyền thế kỷ X).

 Hệ thống di vật văn hóa được phát hiện tại Cổ Loa bao gồm công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, nhạc khí… Ảnh: thanhcoloa.vn

Hệ thống di vật văn hóa được phát hiện tại Cổ Loa bao gồm công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, nhạc khí… Ảnh: thanhcoloa.vn

Khoảng hơn 2.000 năm về trước, mảnh đất Cổ Loa đã được chọn làm đất dựng đô, mở cơ đồ Âu Lạc, thúc đẩy nền văn hóa Đông Sơn, nền văn minh lúa nước phát triển lên tới đỉnh cao. Thành Cổ Loa với 3 chức năng Kinh thành, Quân thành và Thị thành, đồng thời là kết tinh, hội tụ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-bay-nhung-dau-tich-ve-kinh-thanh-co-loa-post315858.html