Trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc có được tham gia đấu giá lại?
Kết quả đấu giá biển số xe 32 tỷ đồng bị hủy vì người mua không nộp đủ tiền, vậy theo quy định, người đã trúng đấu giá nhưng bỏ cọc có được tham gia đấu giá lần sau?
Theo đơn vị tổ chức đấu giá biển số xe ô tô, 6 biển số "siêu đẹp" đã được đấu giá vào ngày 15-9 sẽ được đấu giá lại, gồm: 51K-888.88 (trúng đấu giá 32,340 tỷ đồng); 30K-555.55 (chốt giá 14,12 tỷ đồng); 30K-567.89 (chốt giá 13,075 tỷ đồng); 36A-999.99 ( chốt giá 7,47 tỷ đồng), 98A-666.66 (Bắc Giang, trúng giá 3,075 tỷ đồng) và 47A-599.99 (Đắk Lắk, chốt giá 1,37 tỷ đồng).
Nguyên nhân là do hết thời hạn quy định, 6 khách hàng trúng đấu giá các biển số trên không nộp tiền trúng đấu giá nên cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định về việc hủy kết quả đấu giá với 6 biển số, đưa ra đấu giá lại. Người trúng đấu giá không được hoàn lại số tiền đặt cọc 40 triệu đồng.
Về câu hỏi "người đã trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc có được tham gia đấu giá lần sau", Khoản 1 Điều 10 Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định, điều kiện đăng ký tham gia đấu giá biển số xe là thuộc đối tượng tham gia đấu giá theo khoản 1 Điều 3 Nghị định này và nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản.
Theo đó, người tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân người Việt Nam có đủ điều kiện tham gia đấu giá biển số xe ôtô theo quy định.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản, những người không được đăng ký tham gia đấu giá gồm:
Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…;
Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con…của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;
Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật;
Cha, mẹ, vợ, chồng, con…của người quy định tại điểm c khoản này; Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.
Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng nêu rõ các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá. Đó là những tổ chức, cá nhân có hành vi:
Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
Cản trở hoạt động đấu giá tài sản hay gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá. Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
Như vậy, pháp luật hiện hành không cấm với trường hợp đã trúng đấu giá mà từ bỏ kết quả trúng đấu giá. Do đó, người đã trúng đấu giá trong đợt trước nhưng bỏ cọc vẫn có thể đăng ký tham gia đấu giá lại ở đợt sau, song phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Có thể nói, hành vi bỏ cọc trong đấu giá không chỉ gây tốn kém về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu. Do đó để ngăn chặn việc đấu giá ảo, cơ quan chức năng cần có cơ chế xử lý đối với những đối tượng bỏ cọc như đưa ra mức phạt/tổng số tiền trúng đấu giá, đồng thời hạn chế cơ hội tham gia các cuộc đấu giá khác của những người đã bỏ cọc nhiều lần.