Trung Quốc âm thầm đẩy mạnh nỗ lực gia nhập CPTPP

Trung Quốc đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận kín nhằm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và hữu nghị xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Cảng biển ở Thiên Tân, Trung Quốc - Ảnh: China Daily.

Trung Quốc đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận kín nhằm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và hữu nghị xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thương mại được tạo ra với mục đích ban đầu là củng cố sức mạnh kinh tế Mỹ và quan hệ thương mại trong khu vực đồng thời tạo đối trọng với Trung Quốc

Nguồn tin là quan chức tiết lộ với hãng tin Bloomberg rằng giới chức Australia, Malaysia, New Zealand và có thể cả các quốc gia khác đã tiến hành đàm phán kỹ thuật với đối tác Trung Quốc về chi tiết của CPTPP.

Hồi tháng 2, Trung Quốc tuyên bố đã khởi động đàm phán không chính thức với một số nước thành viên CPTPP, nhưng không công bố chi tiết. Hiện chưa rõ Trung Quốc đã tiến xa tới đâu trong việc chuẩn bị đơn xin gia nhập hiệp định, nhưng nguồn tin nói rằng Bắc Kinh thực sự muốn vào CPTPP.

Trung Quốc “đã không đưa ra một tuyên bố về gia nhập CPTPP nếu họ chưa nghiên cứu và cảm thấy hài lòng với thỏa thuận này”, Giám đốc Deborah Elms của Trung tâm Thương mại châu Á (ATC) có trụ sở ở Singapore nhận định.

Mỹ là nước đã khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm cân bằng với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc. Vào năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama phát biểu rằng Mỹ, thay vì Trung Quốc, phải là nước thiết lập các nguyên tắc thương mại của khu vực.

Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Obama là Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017. Sau đó, Nhật Bản trở thành nước dẫn đầu việc điều chỉnh thỏa thuận và đặt tên lại là CPTPP. Thỏa thuận đã hoàn tất vào năm 2018.

Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành thành viên lớn nhất trong thỏa thuận và tiếp tục củng cố địa vị trung tâm thương mại và đầu tư trong khu vực. Nước này hiện đã có một thỏa thuận thương mại khu vực quan trọng khác là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), hoàn tất vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc gia nhập CPTPP sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải có thêm một số nhượng bộ và phải đạt được sự nhất trí của 11 nước thành viên, trong đó có Australia, Canada và Nhật Bản - 3 nước đồng minh của Mỹ và hiện đang có mối quan hệ không thực sự êm thấm với Bắc Kinh.

Có lẽ sẽ mất một thời gian nữa mới đến lúc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, vì các nước thành viên đang xem xét đơn xin gia nhập của Anh và Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu các yêu cầu của thỏa thuận. Theo nguồn tin, các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu và học giả Trung Quốc đang phân tích văn kiện thỏa thuận để xác định cần phải làm những gì để có thể gia nhập, cũng như đánh giá về quan điểm của các quốc gia thành viên trong thỏa thuận.

Một số nguồn tin là quan chức nghi ngờ về khả năng Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận, nhất là các điều khoản về lao động, mua hàng, doanh nghiệp quốc doanh, trợ cấp, thương mại điện tử và chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới.

Nhật Bản, nước hiện là nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP và giữ vai trò Chủ tịch CPTPP năm 2021, có vẻ không mấy hứng thú với nỗ lực gia nhập thỏa thuận của Trung Quốc. Nguồn tin nói trước khi Trung Quốc có đơn xin gia nhập CPTPP, Nhật Bản muốn đàm phán xong về một thỏa thuận tự do thương mại ba bên với Hàn Quốc và Trung Quốc. Đàm phán về thỏa thuận này không đạt được bước tiến lớn nào trong những năm gần đây, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn xem Trung Quốc thực thi ra sao các cam kết trong RCEP trước khi xem xét một thỏa thuận tiếp theo - nguồn tin tiết lộ.

Dù Mỹ hiện không còn là một thành viên của CPTPP, nhưng lập trường của Mỹ sẽ là một nhân tố quan trọng quyết định khả năng Trung Quốc gia nhập thỏa thuận này. Nhiều thành viên CPTPP là đồng minh hoặc bạn bè của Mỹ và vẫn muốn đến lúc Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Những nước như vậy có thể hoãn đưa ra quyết định về Trung Quốc nhằm chờ xem nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden có muốn quay lại thỏa thuận hay không.

An Huy -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-am-tham-day-manh-no-luc-gia-nhap-cptpp.htm