Trung Quốc áp thuế rượu mạnh nhập khẩu từ EU

Bắt đầu từ thứ sáu (11/10), các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp một 'khoản bảo lãnh tương ứng' dao động từ 34,8-39% giá trị lô hàng cho hải quan Trung Quốc khi nhập khẩu các sản phẩm rượu mạnh có nguồn gốc từ EU.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, ngày 8/10, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp dụng "các biện pháp chống bán phá giá tạm thời" đối với rượu mạnh (brandy) nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh các phát hiện sơ bộ từ Bắc Kinh cho thấy sản phẩm này đang bị bán phá giá trên thị trường.

Bắt đầu từ thứ sáu (11/10), các nhà nhập khẩu sẽ phải nộp một "khoản bảo lãnh tương ứng" dao động từ 34,8-39% giá trị lô hàng cho hải quan Trung Quốc khi nhập khẩu các sản phẩm rượu mạnh có nguồn gốc từ EU. Số tiền này sẽ dựa trên các tính toán liên quan đến giá cả được hải quan chấp thuận cũng như thuế nhập khẩu.

 Trung Quốc áp thuế rượu mạnh nhập khẩu từ EU.

Trung Quốc áp thuế rượu mạnh nhập khẩu từ EU.

Hennessy và Remy Martin là hai trong số những thương hiệu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuế quan Trung Quốc, khi các nhà nhập khẩu hai nhãn hàng này sẽ phải đặt cọc tương ứng 39% và 38,1% giá trị lô hàng.

Tiền đặt cọc sẽ khiến cho việc nhập khẩu rượu brandy từ châu Âu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, số tiền này có thể được hoàn lại nếu hai bên đạt được một thỏa thuận trước khi thuế quan chính thức có hiệu lực.

Những công ty hợp tác với cuộc điều tra của Trung Quốc bị áp mức tiền cọc 34,8%. Riêng đối với Martell, mức đặt cọc là thấp nhất, chỉ 30,6%.

Thuế quan của Trung Quốc đối với rượu brandy châu Âu được công bố sau khi EU cho biết sẽ áp thuế quan lên xe điện Trung Quốc trước cuối tháng này. Trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng về vấn đề này vào hôm 4/10, các nước EU không phản đối việc EC áp thuế quan dao động từ 7,8% đến 35,3% lên ôtô điện có xuất xứ Trung Quốc, ngoài mức thuế quan 10% áp chung lên ôtô nhập khẩu nói chung.

Trong đó, thuế suất tối thiểu 7,8% áp lên xe điện Tesla sản xuất tại Trung Quốc và mức thuế tối đa 35,3% áp lên SAIC và các nhà sản xuất khác bị cho là không hợp tác với cuộc điều tra của Bắc Kinh.

EC đã nói sẵn sàng tiếp tục đàm phán về một giải pháp khác thay cho thuế quan, ngay cả sau khi thuế quan đã được áp.

PV/Theo Thời báo Hoàn Cầu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/trung-quoc-ap-thue-ruou-manh-nhap-khau-tu-eu-d52727.html