Trung Quốc chính thức cáo buộc Mỹ 'giật dây kích động tại Hồng Kông'
Tình hình khủng hoảng tại Hồng Kông đã được đẩy lên một nấc mới khi người biểu tình đã phong tỏa sân bay vào hôm qua, 12.8. Người của Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đổ lỗi cho Washington.
Trong buổi hợp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua, phóng viên đã đặt câu hỏi: “CIA trong quá khứ đã tham gia vào các cuộc cách mạng màu ở các quốc gia như Iran. Khi Bắc Kinh nói Hồng Kông có dấu hiệu của một cuộc cách mạng màu, điều đó có nghĩa là ám chỉ CIA có liên quan? Liệu nó có bằng chứng CIA có liên quan?”
Bà Hoa Xuân Oánh thay vì nêu bằng chứng như yêu cầu của phóng viên thì đã khẳng định: “Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều cáo buộc liên quan đến Hồng Kông là hành động bừa bãi, xuyên tạc và làm nóng tình hình. Một số chính trị gia và quan chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã gặp gỡ và dính dáng đến các thủ lĩnh phong trào chống Trung Quốc ở Hồng Kông, chỉ trích Trung Quốc một cách vô lý, cổ súy các hoạt động bạo lực và bất hợp pháp và làm suy yếu sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông. Những sự thật này quá rõ ràng. Tôi muốn hỏi Hoa Kỳ câu hỏi này một lần nữa: ý định thực sự đằng sau các hành vi của các người liên quan đến Hồng Kông là gì?
Tôi cần phải nhấn mạnh lại một sự thật đơn giản. Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, và các vấn đề của nó hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản trong quan hệ giữa các chính phủ trên trường quốc tế và ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc ngay lập tức".
Sở dĩ cụm từ “cách mạng màu” được nhắc đến là do cách đây một tuần, Tại một hội thảo với 500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách thân Bắc Kinh hôm 7.8 tại Thâm Quyến (sát Hồng Kông), Trưởng Văn phòng liên lạc ở Hồng Kông và Macao Vương Chí Dân nói những cuộc biểu tình ồ ạt tại đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) “mang những đặc trưng rõ ràng của một cuộc cách mạng màu” từng xảy ra ở Đông Âu hồi đầu những năm 2000, đồng thời cảnh cáo đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Anh trao trả nhượng địa Hồng Kông cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Ông Vương cảnh cáo nếu cuộc khủng hoảng leo thang, vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền đặc khu, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên. PLA có thể được triển khai để khôi phục trật tự trị an, đồng thời luật pháp quốc gia cũng có thể được áp dụng nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp. Ông nói: “Theo Luật Cơ bản, Bắc Kinh có đủ các giải pháp và sức mạnh cần thiết để lập tức xử lý bất kỳ sự bất ổn nào”.
Tuy nhiên, những lời cảnh báo của ông Vương có vẻ không làm tình hình dịu đi mà chỉ thấy mọi chuyện ở Hồng Kông căng thẳng hơn. Ngày hôm qua, Cơ quan quản lý sân bay của Hồng Kông đã hủy các chuyến bay khởi hành tại sân bay này, khi hàng ngàn người biểu tình tràn vào chiếm giữ sân bay. Theo CNN thì vào 6h sáng nay, sân bay bắt đầu hoạt động trở lại.
Thủ lĩnh phong trào biểu tình tại Hồng Kông Hoàng Chi Phong cũng kêu gọi Mỹ cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc ủng hộ dân chủ tại đặc khu này. Tuy nhiên, CNN rạng sáng nay dẫn lời một quan chức Nhà Trắng khẳng định: “Như Tổng thống đã nói, đây là vấn đề giữa Trung Quốc và Hồng Kông với sự thấu hiểu rằng “họ đang tìm kiếm dân chủ và mọi người luôn muốn dân chủ”. Đồng thời, kêu gọi tất cả các bên phải kiềm chế, tránh xung đột.
Ngày 8.8, văn phòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hồng Kông đã yêu cầu Mỹ giải thích về các báo cáo trên truyền thông Trung Quốc rằng giới ngoại giao của Mỹ liên lạc với lãnh đạo sinh viên của các cuộc biểu tình vốn đã làm rung chuyển Hồng Kông thời gian qua.
Đại Công báo - một tờ thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã đăng tải một bức ảnh cho thấy nhà ngoại giao Mỹ được xác định là bà Julie Eadeh, người đứng đầu bộ phận phụ trách chính trị thuộc Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, đang nói chuyện với các lãnh đạo sinh viên phong trào dân chủ Hồng Kông tại một hành lang của khách sạn sang trọng. Ngoài ra, chi tiết thông tin cá nhân cũng như gia đình của bà Eadeh cũng bị đăng tải.
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết: “Tôi nghĩ rằng không nên tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh của một nhà ngoại giao Mỹ, tên tuổi con cái họ, tôi không nghĩ việc đó là một sự phản kháng đúng thủ tục”.
“Đó không phải là cách mà một quốc gia có trách nhiệm sẽ hành xử. Làm rò rỉ tin tức cá nhân của một nhà ngoại giao Mỹ là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, bà Ortagus nhấn mạnh.