Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về khoa học vũ trụ vào năm 2050

Trung Quốc đã công bố kế hoạch trung hạn và dài hạn đầu tiên cho sự phát triển khoa học vũ trụ, hướng tới mục tiêu trở thành 'cường quốc khoa học vũ trụ toàn cầu' vào năm 2050.

Kế hoạch này được Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc và Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc công bố chung tại một cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện tổ chức vào ngày 15/10, nhằm đạt được "những kết quả ban đầu mang tính bước ngoặt có tác động đáng kể đến quốc tế".

Kế hoạch phác thảo các mục tiêu phát triển của khoa học vũ trụ Trung Quốc, bao gồm 17 lĩnh vực ưu tiên theo 5 chủ đề khoa học chính. Các chủ đề bao gồm vũ trụ cực độ, góc nhìn toàn cảnh Mặt trời - Trái đất, các hành tinh có thể sinh sống và khoa học sinh học và vật lý trong không gian, theo ông Ding Chibiao, Phó Chủ tịch CAS cho biết.

Ông Ding cho biết Trung Quốc sẽ khám phá khả năng sinh sống của các thiên thể trong Hệ Mặt trời của chúng ta và các ngoại hành tinh, cũng như tiến hành các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Ông nói thêm rằng các lĩnh vực ưu tiên cũng bao gồm phát triển bền vững, nguồn gốc và sự tiến hóa của Hệ Mặt trời, và đặc điểm của bầu khí quyển hành tinh.

 Các phi hành gia Trung Quốc (từ trái sang) Lý Quang Tô, Lý Công và Diệp Quang Phúc vẫy tay chào trước chuyến hành trình đến trạm vũ trụ Thiên Cung trên tàu Thần Châu-18 vào tháng 4. Ảnh: AFP

Các phi hành gia Trung Quốc (từ trái sang) Lý Quang Tô, Lý Công và Diệp Quang Phúc vẫy tay chào trước chuyến hành trình đến trạm vũ trụ Thiên Cung trên tàu Thần Châu-18 vào tháng 4. Ảnh: AFP

Lộ trình này gồm ba giai đoạn hướng tới năm 2050. Cụ thể, đến năm 2027, Trung Quốc đặt mục tiêu liên tục đạt được những thành tựu vươn tầm thế giới trong các lĩnh vực mà nước này có nền tảng và lợi thế vững chắc, gồm nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt trăng - Sao Hỏa, vật lý vi trọng lực, vật chất tối, sóng hấp dẫn...

Từ năm 2028 đến năm 2035, Trung Quốc sẽ triển khai một loạt các sứ mệnh khoa học vũ trụ, bao gồm khoảng 15 dự án ở các lĩnh vực tiên phong như vũ trụ sơ khai, các ngoại hành tinh có thể sinh sống gần đó, thám hiểm hệ mặt trời sơ khai và tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Trong giai đoạn này, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục vận hành trạm vũ trụ Thiên Cung, tiến hành các nghiên cứu khả thi cho hoạt động thám hiểm Mặt trăng có người lái và thành lập một trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế, đồng thời thực hiện khoảng 15 sứ mệnh vệ tinh khoa học vũ trụ.

Từ năm 2036 đến năm 2050, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được vị thế dẫn đầu quốc tế trong các lĩnh vực quan trọng, khẳng định vị thế là "cường quốc khoa học vũ trụ toàn cầu".

Ngọc Ánh (theo China Daily)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-dat-muc-tieu-dan-dau-the-gioi-ve-khoa-hoc-vu-tru-vao-nam-2050-post317084.html