Trung Quốc dè dặt công kích Tổng thống Donald Trump
Một mặt, Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ các đòn thương mại của Tổng thống Donald Trump, mặt khác, nước này cũng tránh công kích cá nhân ông Trump vì Bắc Kinh không muốn gây tổn thương quá lớn cho mối quan hệ song phương.
Khi Trung Quốc tìm cách bày tỏ lập trường cứng rắn với Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà lãnh đạo của họ nhận thấy rằng họ đang ở trong tình thế nan giải: Làm thế nào có thể chứng tỏ cho ông Trump thấy rằng họ không gục ngã nhưng không làm tiêu tan hy vọng cho một thỏa thuận thương mại?
Đối mặt với một nền kinh tế giảm tốc và sự khôn lường trong các động thái của ông Trump, Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy truyền thông để kịch liệt lên án các chính sách của Mỹ và phát đi ẩn ý rằng Trung Quốc có thể cắt đứt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh cũng cẩn trọng, không kích động ông Trump thêm nữa hoặc không mạo hiểm gây tổn hại thêm mối quan hệ song phương đang xấu đi nhanh chóng.
Khi Trung Quốc cảm thấy cần đưa ra phản ứng đúng đắn với ông Trump, nước này phải xem xét các mục tiêu của ông trong bối cảnh các biến động chính trị ở Mỹ, các thị trường tài chính và sức mạnh của những tiếng đối lập bên trong chính quyền của ông Trump. Bắc Kinh cũng phải xác định ông Trump có ẩn ý gì khi ông nói rằng ông “chưa sẵn sàng” để ký thỏa thuận với Trung Quốc và liệu có phải ngưỡng “chịu đòn” đáp trả từ Bắc Kinh của ông đang tăng cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, còn kinh tế Trung Quốc phát ra những dấu hiệu suy yếu.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tung một loạt đòn thương mại nhằm vào Bắc Kinh. Ngoài quyết định tăng thuế với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc lên mức 25% so với mức 10% trước đây, Mỹ còn gia tăng các nỗ lực triệt hạ hãng thiết bị viễn thông và smartphone khổng lồ của Trung Quốc cũng như cản trở các công ty công nghệ khác của Trung Quốc.
Trước đây, bất kỳ động thái nào như trên cũng sẽ vấp phải những phản ứng giận dữ của Trung Quốc. Chẳng hạn, sau khi tập đoàn Lotte của Hàn Quốc nhất trí nhượng lại cho chính phủ Hàn Quốc một khu đất ở Seoul để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ, hay còn gọi là THAAD, nhà chức trách Trung Quốc đã đình chỉ hoạt động hơn một nửa số siêu thị của Lotte ở Trung Quốc với lý do vi phạm các an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, các phản ứng của Trung Quốc nhằm vào ông Trump có mức độ dè dặt hơn. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng hàng loạt bài xã luận thách thức, đổ lỗi Mỹ gây bế tắc cho tiến trình đàm phán thương mại song phương và nhấn mạnh sức mạnh của Trung Quốc nhưng tuyệt nhiên không nêu đích danh tên Tổng thống Donald Trump hoặc các tên của các quan chức thương mại cấp cao khác của Mỹ.
Mới đây, các bài xã luận này cũng phát đi ẩn ý đe dọa cắt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ nhưng các quan chức Trung Quốc không nói rõ các thông tin chi tiết, nếu có, về một kế hoạch như vậy.
“Bạn có thể thấy rằng mọi bước đi, mọi ngôn từ phản đối trên truyền thông cũng như các tuyên bố chính thức của Trung Quốc đều luôn được thiết kế kỹ lưỡng và kiểm soát nghiêm ngặt”, Wang Peng, học giả ở Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói. Ông cho rằng mục đích của Bắc Kinh là chứng tỏ: “Trung Quốc sẽ không bao giờ đầu hàng nhưng cánh cửa để đàm phán tiếp với Mỹ sẽ không bao giờ khép lại”.
Khi nguy cơ cuộc chiến thương mại kéo dài càng hiện rõ hơn, các quan chức Trung Quốc vẫn tiếp tục thể hiện sự tự tin. Các nhà quản lý kinh tế Trung Quốc vẫn lạc quan về khả năng chịu đựng các đòn thuế của Mỹ, trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi bộ máy cán bộ chuẩn bị cho một cuộc “Vạn lý Trường chính mới”. Vạn lý Trường chinh là cuộc rút lui chiến thuật cách đây 85 năm của hồng quân Trung Quốc để tránh sự truy kích của Quốc dân đảng và để sau đó 15 năm, giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi cuối cùng.
Song các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đang vẽ một bức tranh kém tươi hơn. Ngay trước khi Tổng thống Trump tung ra đòn thuế mới nhất, xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đều suy giảm trong tháng 4 đồng thời doanh thu bán lẻ trong nước cũng tăng yếu hơn kỳ vọng.
Một hạn chế khác đối với Bắc Kinh là hình ảnh toàn cầu mà lãnh đạo Trung Quốc cố công xây dựng trong kỷ nguyên “nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Trung Quốc hiểu rằng các biện pháp trả mạnh mẽ Mỹ, nếu được thực hiện, chẳng hạn gây gián đoạn các hoạt động của các công ty đa quốc gia Mỹ tại Trung Quốc, sẽ càng kéo dài chiến tranh thương mại và gây tổn hại cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm chứng tỏ nước này như là người đi đầu ủng hộ tự do thương mại và là thành viên cư xử có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tại Washington, các quan chức Nhà Trắng cho rằng Bắc Kinh chỉ đang hù dọa. Một quan chức giấu tên nói rằng đe dọa của Trung Quốc về việc cắt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ chỉ là “đòn gió”. Trong khi đó, môt quan chức khác cho biết Mỹ đã lường trước Trung Quốc sẽ đưa ra lời đe dọa như vậy và đã tính toán cách ứng phó các hậu quả.
Các quan chức Trung Quốc cũng biết chính quyền Donald Trump còn trữ sẵn nhiều “vũ khí” uy lực. Nhà Trắng đang cân nhắc các phương án cắt sự tiếp cận của Bắc Kinh đối với các công nghệ quan trọng của Mỹ bằng cách đưa thêm năm công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen bị cấm mua các công nghệ và linh kiện Mỹ
Các quan chức hiếu chiến về thương mại ở Mỹ cũng đang vận động hạn chế xuất khẩu các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và in 3D sang Trung Quốc.
Nói tóm lại, chừng nào Bắc Kinh còn muốn chừa đường lùi để nối lại đàm phán thương mại, rất khó để Trung Quốc “ăn miếng trả miếng” với các đòn thương mại của Tổng thống Donald Trump.
“Trung Quốc không muốn thấy nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ tách rời khỏi nhau. Nếu Trung Quốc đối đầu quá mức, nước này khó mà còn con đường lùi”, Giáo sư Dennis Wilder ở Đại học Georgetown (Mỹ), cựu giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định.
Theo Bloomberg
Chánh Tài