Trung Quốc đề xuất đàm phán FTA với EU

Trong chuyến thăm chính thức tới Brussel ngày 16-17/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do với EU, song song với các cuộc đàm phán đang diễn ra về một thỏa thuận đầu tư. Theo đó, cả hai đối tác sẽ triển khai nghiên cứu khả thi cho một hiệp định thương mại tự do (FTA), có thể mất một hoặc hai năm để chuẩn bị.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của EU sau Mỹ. Ủy ban châu Âu cho biết, trọng tâm của EU là đưa ra các ưu tiên đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc vừa qua, bao gồm tăng cường các quy tắc quốc tế, đáng chú ý là trợ cấp công nghiệp; kết thúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư và giải quyết các rào cản tiếp cận thị trường.

Trung Quốc cũng kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận đầu tư chất lượng cao. Quá trình này đã được đưa ra vào năm 2012, nhưng đang tiến triển với tốc độ rất chậm, mặc dù cả hai bên đều hướng tới kết thúc cuộc đàm phán vào năm 2020. Vòng đàm phán mới sẽ diễn ra vào tháng 1 tới. Phía Trung Quốc cho rằng việc kết thúc các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung là một tin tốt lành cho châu Âu, vì các nhà đàm phán có thể dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc đàm phán EU - Trung Quốc. Một cuộc họp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Leipzig năm 2020 cũng sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán.

EU đang hợp tác với Trung Quốc để cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới, một trong những ưu tiên hàng đầu của châu Âu nhằm bảo vệ hệ thống đa phương trong bối cảnh tranh chấp thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Nhưng EU cũng ngày càng cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và quan hệ kinh tế và thương mại không cân bằng với các quốc gia thành viên. Tháng 3 năm ngoái, EU đã coi Trung Quốc là đối thủ đồng thời tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc để mở cửa thị trường và giải quyết việc chuyển giao công nghệ bắt buộc đối với các công ty nước ngoài.

Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và là một siêu cường công nghệ hàng đầu, nhưng Trung Quốc thực sự là một quốc gia đang phát triển. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập luận rằng sự hợp tác giữa hai khối này vượt xa so với sự cạnh tranh. Và sự khác biệt về các hệ thống và giá trị xã hội không nên trở thành một trở ngại trong quan hệ song phương. Từ năm 2001 - 2018, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc tăng trung bình 14,7% mỗi năm, cao hơn gấp đôi so với tăng trưởng xuất khẩu trung bình của EU.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trung-quoc-de-xuat-dam-phan-fta-voi-eu-130035.html