Trung Quốc 'đổi giọng' với ngành địa ốc

Chính phủ Trung Quốc phát tín hiệu sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngành công nghiệp bất động sản, vốn đã trượt dài trong khủng hoảng hai năm qua.

 Thông điệp "nhà để ở, không phải đầu cơ" được các quan chức Trung Quốc sử dụng liên tục kể từ năm 2016. Ảnh: Reuters.

Thông điệp "nhà để ở, không phải đầu cơ" được các quan chức Trung Quốc sử dụng liên tục kể từ năm 2016. Ảnh: Reuters.

Bloomberg đưa tin mới đây, Phó thủ tướng Lưu Hạc mô tả lĩnh vực bất động sản là "trụ cột" của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Theo Tân Hoa Xã, ông tiết lộ Bắc Kinh đang cân nhắc các biện pháp mới để cải thiện tình hình tài chính của ngành công nghiệp và củng cố niềm tin.

Ông Lưu dập tắt những lo ngại cho rằng nhu cầu nhà ở yếu đi sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong dài hạn. Ông khẳng định Trung Quốc vẫn đang trong quá trình "đô thị hóa tương đối nhanh".

"Các nhà hoạch định chính sách vẫn tin tưởng rằng nền kinh tế quốc gia sẽ cải thiện về tổng thể trong năm tới", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu nhấn mạnh. "Nhu cầu nhà ở vẫn đủ mạnh để thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định trong thị trường bất động sản", vị quan chức nói thêm.

"Trụ cột kinh tế"

Bắc Kinh đã thay đổi giọng điệu đối với lĩnh vực bất động sản. Vài năm trở lại đây, chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát với ngành công nghiệp này nhằm giảm đòn bẩy và hạ nhiệt giá cả.

Sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản buộc giới chức trách phải liên tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ trong những tuần qua. Việc Bắc Kinh nới lỏng gọng kìm đã kích hoạt đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường cổ phiếu và trái phiếu bất động sản.

Nhu cầu nhà ở vẫn đủ mạnh để thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định trong thị trường bất động sản

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc

Thước đo của Bloomberg Intelligence đối với các cổ phiếu mảng xây dựng đã tăng tới 3,6% trong phiên 16/12. Kể từ cuối tháng 10, chỉ số này tăng vọt 77%.

Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng tăng trưởng kinh tế sẽ là trọng tâm trong năm 2023. Năm nay, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản và ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đè nặng lên sản lượng.

Dữ liệu chính thức chỉ ra nhu cầu mua nhà vẫn còn yếu. Giá nhà tại Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ 15 liên tiếp. Doanh số tháng 11 cũng lao dốc nhanh hơn.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc diễn ra vào ngày 15/12, Bắc Kinh có thể hạ giọng về các chính sách bất động sản.

Theo đó, giới chức Trung Quốc sẽ hạ thấp tầm quan trọng của chiến lược "nhà để ở, không phải đầu cơ".

"Nhà để ở, không phải đầu cơ"

Những năm qua, hiếm khi các quan chức cấp cao của Trung Quốc mô tả bất động sản là "trụ cột" của nền kinh tế. Sau khi cụm từ này được sử dụng tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hồi năm 2008, một loạt biện pháp thúc đẩy ngành bất động sản đã đẩy giá nhà tăng phi mã.

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cũng khẳng định lĩnh vực bất động sản đóng một vai trò "quan trọng" với nền kinh tế.

Điều này khác với quan điểm quyết liệt trong việc ghìm cương ngành địa ốc của Trung Quốc trong những năm qua. Thông điệp "nhà để ở, không phải đầu cơ" được các quan chức Bắc Kinh sử dụng liên tục kể từ năm 2016.

Giới chức nước này kiên quyết ngăn chặn tình trạng đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, hạ nhiệt thị trường nhà ở, kìm hãm rủi ro nợ và giảm nguồn cung dư thừa tại các thành phố cấp thấp.

 China Evergrande là nạn nhân đầu tiên của chiến dịch kiểm soát ngành công nghiệp địa ốc. Ảnh: Reuters.

China Evergrande là nạn nhân đầu tiên của chiến dịch kiểm soát ngành công nghiệp địa ốc. Ảnh: Reuters.

Hồi năm 2020, ông Quách Thụ Thanh - Chủ tịch của Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc - cảnh báo lĩnh vực bất động sản là "con tê giác xám lớn nhất" đối với sự ổn định của ngành tài chính, ngụ ý mối nguy hiểm lớn nhưng bị xem nhẹ.

Mới đây, Bắc Kinh đã ban hành gói giải cứu 16 điểm đối với ngành công nghiệp bất động sản. Các sáng kiến bao gồm xử lý cuộc khủng hoảng thanh khoản của doanh nghiệp địa ốc, và "tạm thời" nới lỏng những hạn chế đối với việc vay vốn ngân hàng.

Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra một số động thái riêng lẻ như cắt giảm lãi suất, thúc giục những nhà băng lớn mở rộng cho vay 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong phần còn lại của năm, và cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua những ngân hàng chính sách nhằm đảm bảo hoàn thành các dự án dở dang.

Trung Quốc cũng mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty tư nhân, bao gồm những doanh nghiệp bất động sản, lên 250 tỷ nhân dân tệ. Động thái đó có thể giúp các công ty địa ốc phát hành thêm trái phiếu và giải quyết những khó khăn về thanh khoản.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-doi-giong-voi-nganh-dia-oc-post1385473.html