Trung Quốc: Giải mã DNA từ pho mát 3500 năm tuổi

Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc thông qua việc giải mã DNA đã tiết lộ bí mật về các sản phẩm sữa lên men (pho mát) lâu đời nhất được biết đến trong hồ sơ khảo cổ học.

Các nhà khoa học tiến hành phân tích, nghiên cứu, giải trình tự DNA từ ba mẫu pho mát được tìm thấy tại nơi chôn cất của những xác ướp hơn 3.500 năm từ thời đồ đồng ở khu vực Tân Cương - Trung Quốc.

Nhà khoa học Fu Qiaomei nghiên cứu và phân tích DNA pho mát cổ xưa.

Nhà khoa học Fu Qiaomei nghiên cứu và phân tích DNA pho mát cổ xưa.

Nghiên cứu được công bố ngày 25/9 trên tạp chí Cell trình bày một bức ảnh giới thiệu các mẫu vật thời kỳ đồ đồng. Mỗi mẫu có kích thước khoảng bằng một cái nắp chai. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phân tích DNA từ những tàn tích cổ xưa và xác nhận rằng chúng là pho mát kefir, một loại pho mát vẫn được sản xuất và tiêu thụ rộng rãi cho đến ngày nay. Pho mát cổ xưa này được làm bằng cách lên men sữa bò và sữa dê bằng hạt kefir có chứa các vi khuẩn lên men như vi khuẩn axit lactic và nấm men.

Bà Christina Warinner, Phó Giáo sư Khoa học Xã hội và Nhân chủng học tại Đại học Harvard, cho biết: "Chúng ta biết rất ít về những loại vi khuẩn lên men mà con người trước đây đã sử dụng để sản xuất những loại thực phẩm mang tính biểu tượng ngày nay - từ bánh mì đến phô mai và từ bia đến rượu vang."

Nghiên cứu này đã được cộng đồng khoa học quốc tế ca ngợi rộng rãi là một thành tựu chưa từng có, khi các chuyên gia ca ngợi nó như là "mở ra một cánh cửa mới trong nghiên cứu DNA cổ đại".

Nhà khoa học Fu Qiaomei đến từ Viện Cổ sinh Động vật có xương sống và Cổ nhân loại học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết: "Nghiên cứu này cho phép chúng tôi quan sát cách các vi khuẩn lên men tiến hóa trong hơn 3.000 năm qua". Nhóm nghiên cứu cũng bao gồm các nhà khảo cổ học từ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương và các chuyên gia y học đến từ Bắc Kinh.

Bà Fu đã nghiên cứu về cổ sinh vật học, đặc biệt là khám phá nguồn gốc và sự tiến hóa của con người với DNA cổ đại. Nhà khoa học nữ này được các đồng nghiệp đặt cho biệt danh là "thám tử về DNA".

Bà Fu cho biết bà đã nghiên cứu về pho mát hơn 11 năm và chìa khóa thành công nằm ở các đầu dò DNA tự thiết kế. Các đầu dò DNA có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ DNA mục tiêu - vi khuẩn axit lactic - từ dưới 1% lên tối đa 80% tổng số DNA, do đó, cho phép họ tái tạo lại hoàn toàn bộ gen của vi khuẩn.

Thực phẩm lên men đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người hiện đại, tuy nhiên nghiên cứu về quá trình tiến hóa của vi khuẩn lên men còn hạn chế do thiếu vật liệu bảo quản và những thách thức liên quan đến việc chiết xuất DNA.

Theo một trong những đánh giá của nghiên cứu, trình tự bộ gen có ý nghĩa rất quan trọng vì nó đại diện cho "trình tự đầu tiên từ một mẫu khảo cổ học". Nó cung cấp những hiểu biết có giá trị về quá trình di cư và trao đổi trên khắp các thảo nguyên Trung Á. Và lịch sử lên men thực phẩm đóng góp đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết về chế độ ăn uống và văn hóa của những thế hệ người cổ xưa.

Phát hiện này cũng đã một phần thay đổi cách nhìn nhận của con người vì trước đây đa số cho rằng pho mát kefir lan truyền từ Bắc Kavkaz đến châu Âu và các khu vực khác. Nhưng giờ đây họ đã có thêm một cách nhìn mới, về một tuyến đường mới là pho mát lan truyền từ Tân Cương - Trung Quốc đến nội địa Đông Á.

"Thật thú vị khi thấy có rất nhiều thông tin từ loại pho mát này", đồng tác giả nghiên cứu, ông Yang Yimin, giáo sư tại Đại học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết. "Nó giống như việc mở ra một cánh cửa để hiểu về hành vi và văn hóa của con người trong quá khứ đã biến mất khỏi các ghi chép lịch sử".

Pho mát cổ xưa này được làm bằng cách lên men sữa bò và sữa dê bằng hạt kefir có chứa các vi khuẩn lên men như vi khuẩn axit lactic và nấm men.

Pho mát cổ xưa này được làm bằng cách lên men sữa bò và sữa dê bằng hạt kefir có chứa các vi khuẩn lên men như vi khuẩn axit lactic và nấm men.

Năm 2003, một số xác ướp đã được tìm thấy trong một ngôi mộ ở sa mạc Taklimakan, nhưng nổi tiếng nhất là một xác ướp phụ nữ được mệnh danh là "Công chúa Xiaohe". Mặc dù được chôn cất cách đây hơn 3.500 năm, cơ thể của bà được bảo quản rất tốt, với mái tóc mỏng và lông mi có thể nhìn thấy rõ. Một số đặc điểm trên khuôn mặt của bà, chẳng hạn như gò má cao, giống với người phương Tây, khiến nhiều người tự hỏi liệu tổ tiên của những cư dân đầu tiên của Tân Cương có phải là người di cư hay không.

Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được lý do tại sao pho mát được tìm thấy trong số các xác ướp. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây đã tiết lộ sự hiện diện của gạo, kê, thảo mộc và pho mát trong các ngôi mộ xác ướp cổ đại, cho thấy pho mát đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người trong Thời đại đồ đồng.

"Đây chỉ là sự khởi đầu, và thông qua việc sử dụng các đầu dò di truyền, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều vi khuẩn cổ xưa hơn từ hài cốt và hiện vật của con người", bà Fu cho biết .

Hồng Hà

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/trung-quoc-giai-ma-dna-tu-pho-mat-3500-nam-tuoi-268810.htm