Trung Quốc - Iran xích lại gần nhau

Iran và Trung Quốc vừa ký một hiệp ước hợp tác chiến lược 25 năm nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây là bước phát triển quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác nhau.

Iran và Trung Quốc vừa ký một hiệp ước hợp tác chiến lược 25 năm nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đây là bước phát triển quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác nhau.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif ký thỏa thuận hợp tác hôm 27-3 tại Tehran. Ảnh: CNBC

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif ký thỏa thuận hợp tác hôm 27-3 tại Tehran. Ảnh: CNBC

Thỏa thuận toàn diện – đôi bên cùng có lợi

Văn kiện mang tính bước ngoặt đã được ký kết trong một buổi lễ phát sóng trên truyền hình nhân chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Thỏa thuận được phía Iran mô tả là “một lộ trình hoàn chỉnh với các điều khoản kinh tế và chính trị chiến lược bao gồm hợp tác thương mại, kinh tế và giao thông vận tải”, bao gồm nhiều hoạt động kinh tế từ dầu mỏ và khai thác mỏ đến thúc đẩy hoạt động công nghiệp ở Iran, cũng như giao thông vận tải và hợp tác nông nghiệp. Dự thảo hiệp ước trước đó cũng kêu gọi hợp tác quân sự sâu sắc hơn, bao gồm các cuộc tập trận chung, nghiên cứu chung, phát triển vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.

Thỏa thuận được cho là sẽ đóng vai trò như một lộ trình cho mối quan hệ Iran-Trung Quốc trong 25 năm tới. Thỏa thuận này cũng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Tehran và Bắc Kinh vào thời điểm Trung Quốc đang tìm kiếm thêm ảnh hưởng ở Trung Đông, còn Iran đang tìm kiếm sự hỗ trợ đối với nền kinh tế đang chao đảo do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các bên không công bố chi tiết của hiệp ước nhưng các chuyên gia cho biết không khác so với dự thảo hiệp ước khoảng 18 trang trước đó, trong đó có 400 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào hàng chục lĩnh vực, bao gồm ngân hàng, truyền thông, cảng, đường sắt, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin trong 25 năm tới. Trong những năm gần đây, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng của Iran, là "cửa thoát hiểm" chính của Iran trong bối cảnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng và các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran, trong đó có dầu mỏ. Giờ đây, thỏa thuận với Trung Quốc mang lại cho Iran triển vọng về một dòng đầu tư nước ngoài rất cần thiết. Thỏa thuận sẽ nâng cao vai trò của Iran trong sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, nhằm đa dạng hóa các tuyến đường thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác quan trọng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng ở các quốc gia khác nhau.

Trong khi đó, dư luận khu vực cho rằng hiệp ước vừa ký giữa Trung Quốc và Iran có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và làm suy yếu các nỗ lực nhằm cô lập Iran của Mỹ. Việc ký kết thỏa thuận phản ánh xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực.

Thỏa thuận cũng giúp Trung Quốc sẽ có được nguồn cung dầu thường xuyên từ Iran với giá rất thấp. Lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Iran đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 918.000 thùng/ngày từ Iran trong tháng 3-2021, mức cao nhất kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn đối với Tehran cách đây 2 năm. Hai nước cũng đồng ý thành lập ngân hàng Iran - Trung Quốc để có thể giúp Tehran né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mối quan hệ đồng minh

Thỏa thuận này đã được đề xuất lần đầu tiên trong chuyến thăm Tehran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1-2016. Khi đó, Trung Quốc đồng ý đẩy mạnh thương mại song phương với Iran lên gấp 10 lần, đạt mức 600 tỷ USD trong thập niên tiếp theo. Lễ ký diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Iran. Hai nước đã có quan hệ nồng ấm. Ngày 25-3, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015 đồng thời bảo hộ lợi ích hợp pháp của mối quan hệ Bắc Kinh-Tehran.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran và là một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran trước khi Mỹ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương vào năm 2018. Iran và Trung Quốc đã trao đổi thương mại với giá trị khoảng 20 tỷ USD hàng năm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, con số này giảm nếu so với mức gần 52 tỷ USD vào năm 2014, do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt vào năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump khi đó đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng họ sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt có từ thời Tổng thống Trump nhằm vào dầu lửa của Iran, đồng thời áp dụng các lệnh trừng phạt này đối với Trung Quốc. Việc nối lại một số hoạt động buôn bán dầu mỏ, cùng với một ngành công nghiệp trong nước được củng cố, đã thúc đẩy tăng trưởng của Iran, dù ở mức khiêm tốn. Thỏa thuận lần này với Bắc Kinh được đánh giá giúp Tehran có được một số đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hạt nhân tiềm tàng với chính quyền Biden.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_240672_trung-quoc-iran-xich-lai-gan-nhau.aspx