Trung Quốc kêu gọi đoàn kết toàn cầu sau khi Mỹ lập liên minh AUKUS
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kêu gọi các quốc gia trên thế giới phản đối 'bá quyền và chia rẽ'. Lời kêu gọi được đưa ra 1 ngày sau khi Mỹ thành lập liên minh an ninh AUKUS để đối phó với Trung Quốc.
Một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. (Ảnh: National Interest)
Trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải được tổ chức trực tuyến từ Dushanbe, Tajikistan, ông Tập Cận Bình nói rằng các vấn đề quốc tế không thể được giải quyết bằng cách bắt nạt “từ vị thế cường quốc”.
“Chúng tôi phản đối những hành động làm suy yếu trật tự quốc tế, gây đối đầu và chia rẽ dưới khẩu hiệu của cái gọi là thiết lập quy tắc”, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại hội nghị.
Không nhắc tên Mỹ, ông Tập Cận Bình sử dụng cụm từ mà Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì đã dùng để chỉ trích Mỹ trong cuộc gặp cấp cao tại Alaska hồi tháng 3.
Phát biểu được đưa ra 1 ngày sau khi Mỹ, Anh và Úc thành lập AUKUS, một liên minh an ninh sẽ cho phép các bên chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân.
AUKUS được coi là một nỗ lực nhằm tăng cường năng lực răn đe với Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng bước đi này sẽ gây ra chạy đua vũ trang.
Pháp cũng giận dữ với AUKUS vì bị mất thỏa thuận tàu ngầm với Úc.
Vương Quần, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Vienna, kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối liên minh này, cho rằng đó là “hành động phổ biến hạt nhân”.
Phát biểu tại cuộc họp của ban giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 16/9, ông Vương thúc giục cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc này phản đối AUKUS.
Lãnh đạo Mỹ, Úc và Anh khẳng định thỏa thuận của họ không phải để giúp Úc có vũ khí hạt nhân, nhưng ông Vương nói rằng liên minh này “rõ ràng sẽ làm tăng sự phổ biến của công nghệ và vật liệu hạt nhân”.
“Mỹ và Anh sẽ công khai hỗ trợ Úc, một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, để mua sắm và chế tạo các tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu hạt nhân. Điều này đi ngược lại mục đích, mục tiêu và nghĩa vụ cơ bản của của Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân”, ông Vương nói.
Đại diện này cũng cho rằng IAEA có trách nhiệm “công khai bày tỏ quan điểm kiên quyết của mình đối với hành động của ba bên Mỹ, Anh và Úc”.
IAEA có trách nhiệm giám sát sử dụng năng lượng hạt nhân và ngăn chặn công nghệ hạt nhân bị dùng vào mục đích quân sự.
Chỉ có 5 quốc gia hạt nhân được công nhận theo Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
“Hành động phổ biến hạt nhân đó sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với những nỗ lực hiện nay của quốc tế nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Iran”, ông Vương nói.
“Cùng lúc đó, Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác với nhau để giám sát hành động nguy hiểm đó”, đại diện Trung Quốc nói.
IAEA cho biết Úc, Anh và Mỹ đã thông báo với cơ quan này về quan hệ đối tác mới và hai bên đồng ý sẽ làm việc với nhau trong thời gian tới.
“Ba quốc gia đã thông báo với IAEA ngay từ giai đoạn đầu. IAEA sẽ làm việc với họ trong vấn đề này theo nhiệm vụ quy định và phù hợp với các thỏa thuận bảo vệ tương ứng của họ với chúng tôi”, thông báo cho biết.