Trung Quốc: Không cho phép thảo luận về Hồng Kông tại hội nghị G20

Ngày 24/6, Trung Quốc nhấn mạnh, sẽ không cho phép thảo luận các vấn đề về Hồng Kông tại hội nghị thượng đỉnh G20, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch đề cập đến các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra tại Hồng Kông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đặc khu tự trị Hồng Kông đã bị chấn động bởi các cuộc biểu tình lớn diễn ra trong suốt thời gian vừa qua với những yêu sách của người biểu tình đòi rút một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc lục địa.

Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc về tình trạng bất ổn chính trị tồi tệ nhất của Hồng Kông kể từ khi bàn giao từ Anh sang Trung Quốc năm 1997 và nói rằng ông hiểu lý do của các cuộc biểu tình và hy vọng những người biểu tình có thể “giải quyết vấn đề với Trung Quốc”.

Hơn 100 người biểu tình đã bao vây Tháp Revenue tại quận Wan Chai hôm nay (24-6-2019) trong các cuộc biểu tình mới chống lại dự luật dẫn độ.

Hơn 100 người biểu tình đã bao vây Tháp Revenue tại quận Wan Chai hôm nay (24-6-2019) trong các cuộc biểu tình mới chống lại dự luật dẫn độ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông Trump sẽ thảo luận về vấn đề Hồng Kông với ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20, sắp diễn ra tại Osaka, Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ông Trương Quân cho biết: "Những gì tôi có thể nói là chắc chắn G20 sẽ không thảo luận về vấn đề Hồng Kông. Chúng tôi không cho phép G20 thảo luận vấn đề này, G20 chỉ là diễn đàn tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu".

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trương Quân

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trương Quân

"Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không một quốc gia nào có quyền can thiệp", ông Trương Quân tuyên bố và lưu ý rằng Hồng Kông là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc.

Một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới đã bị rung chuyển bởi tình trạng bất ổn chính trị tồi tệ nhất trong gần 50 năm qua. Hàng triệu người đã tuần hành suốt thời gian vừa qua để phản đối luật dẫn độ, đạo luật này hiện đã bị đình hoãn vô thời hạn trước sự phản ứng dữ dội của công chúng. Cảnh sát cũng buộc phải bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình hồi đầu tháng.

Các cuộc biểu tình kể từ đó đã biến thành một phong trào rộng lớn hơn chống lại Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông - bà Carrie Lam. Các nhóm biểu tình ở Hồng Kông đã công bố kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình mới vào tối thứ Tư (26/6/2019), trực tiếp nhắm vào các nhà lãnh đạo G20, những người sẽ bắt đầu đến Nhật Bản vào ngày hôm sau.

"Chúng tôi tập trung tại đây để đối mặt với thế giới, để đặt ra một số câu hỏi cho các nhà lãnh đạo của nhóm G20 rằng: Người Hồng Kông có xứng đáng có dân chủ không? Người Hồng Kông đã thực sự có nền dân chủ chưa? Người Hồng Kông có thể thực hiện hệ thống dân chủ của chính mình hay không?", Jimmy Sham đại diện của tổ chức Mặt trận Nhân quyền Dân sự, nói với các phóng viên.

Về việc Trung Quốc từ chối giải quyết các cuộc biểu tình ở Hồng Kông tại G20, ông Sham cho biết: “Nếu nghĩ rằng không cần phải giải thích những gì xảy ra ở đất nước của mình trước thế giới vì đấy là vấn đề nội bộ, thì Trung Quốc nên rời khỏi Liên hợp quốc”.

Các lãnh đạo biểu tình cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn khác vào ngày 1/7, nhưng do sinh viên lãnh đạo, liên lạc với nhau thông qua các ứng dụng nhắn tin được mã hóa và cũng đã nhanh chóng bắt đầu thực hiện các hành vi bất tuân dân sự.

Trang Vũ (Theo Dailymail)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/trung-quoc-khong-cho-phep-thao-luan-ve-hong-kong-tai-hoi-nghi-g20/815322.antd