Trung Quốc lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ đối với TikTok

Biểu tượng của TikTok trên màn hình máy tính bảng - Nguồn: AFP/TTXVN

* Đài phát thanh và truyền hình nhà nước Thụy Điển cấm dùng TikTok

Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Mỹ đang sử dụng “chính sách ngoại giao pháo hạm kỹ thuật số” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh yêu cầu tập đoàn sở hữu ứng dụng TikTok là ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng Musical.ly đã mua và hợp nhất với TikTok.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian ngày 17/8 nói tự do và an ninh là những cái cớ để một số chính trị gia Mỹ ủng hộ “chính sách ngoại giao pháo hạm kỹ thuật số”. Ông cho biết TikTok đã thực hiện mọi yêu cầu của Mỹ như chỉ sử dụng người Mỹ cho các vị trí điều hành cao nhất, đặt máy chủ tại Mỹ và công khai mã nguồn.

Khi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng, ông Trump đã cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để theo dõi các nhân viên của liên bang, tiến hành hoạt động tình báo nhằm vào doanh nghiệp... Ông Trump ra yêu cầu trên vào cuối tuần trước dựa trên sắc lệnh cấm các giao dịch với TikTok và WeChat.

Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực trong 90 ngày, cấm việc thâu tóm và không cho phép ByteDance có bất kỳ quyền lợi nào trong Musical.ly. Ông Trump yêu cầu thỏa thuận bán Musical.ly tại Mỹ phải được Ủy ban Đầu tư nước ngoài ký.

Cùng ngày 17/8, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết Tổng thống Trump đã xem xét bổ sung vào danh sách cấm các công ty do Trung Quốc sở hữu. Danh sách này hiện bao gồm ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, và Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat.

Phát biểu trước các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, ông Meadows nhấn mạnh Chính quyền Mỹ hiện nay đặc biệt chú ý đến các công ty Trung Quốc có hành vi thu thập dữ liệu cá nhân và có thể gây ra nguy cơ an ninh quốc gia đối với Mỹ. Quan chức này nêu rõ: “Hầu hết những điều mà Tổng thống Trump xem xét là nhằm cấm các ứng dụng của Trung Quốc, vốn có thể thu thập thông tin cá nhân và gây ra những nguy cơ an ninh quốc gia tiềm ẩn”.

Cũng trong ngày 17/8, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố họ sẽ thắt chặt hơn nữa những hạn chế đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, nhằm chặn tập đoàn này tiếp cận mặt hàng chip (vi mạch) và nhiều công nghệ khác hiện có trên thị trường.

Các động thái của Bộ Thương mại Mỹ sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế được công bố vào tháng Năm vừa qua nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei mua chất bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt - bao gồm cả các chip do những hãng nước ngoài sản xuất, được phát triển và sản xuất với công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Theo nguồn tin của Reuters, chính quyền Mỹ cũng sẽ bổ sung 38 chi nhánh của Huawei ở 21 nước vào "danh sách đen" về kinh tế của nước này, nâng con số này lên 152 chi nhánh, kể từ khi Huawei bị đưa vào "danh sách đen" vào tháng 5/2019.

Trong diễn biến khác, ngày 17/8, hai hãng truyền thông nhà nước Thụy Điển là Đài truyền hình SVT và Đài phát thanh SR cho biết đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng chia sẻ video TikTok trên điện thoại làm việc vì lý do an ninh.

Trên trang web của SVT, đại diện đài truyền hình này nêu rõ: “Bộ phận an ninh IT của SVT phát hiện ứng dụng TikTok tiết lộ nhiều thông tin hơn những gì được xem là cần thiết cho công ty sở hữu ứng dụng Bytedance của Trung Quốc”. Do đó, SVT đã quyết định không cho phép nhân viên sử dụng ứng dụng này trên điện thoại dùng để làm việc.

Cùng ngày, người phát ngôn đài truyền thanh SR Claes Bertilson cho biết đầu tháng 8 này, SR cũng có động thái tương tự do ứng dụng TikTok không đáp ứng yêu cầu bảo mật trên các công cụ làm việc của nhà đài, chẳng hạn như các điện thoại dùng để làm việc.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244583/trung-quoc-len-tieng-chi-trich-chinh-sach-cua-my-doi-voi-tiktok.html