Trung Quốc lý giải về đội tàu ở Biển Đông, cáo buộc Philippines 'thổi phồng' vấn đề

Trung Quốc đã yêu cầu Manila 'ngừng thổi phồng' về đội tàu Trung Quốc neo đậu xung quanh Bãi đá ngầm Whitsun trên Biển Đông đang tranh chấp.

Tàu Trung Quốc ở khu vực rặng san hô Whitsun. Ảnh: SCMP

Bài liên quan

Philippines và Trung Quốc khẩu chiến căng thẳng về Biển Đông

Trung Quốc và Mỹ đưa tàu chiến vào vùng biển tranh chấp

Tàu sân bay Trung Quốc và 5 tàu chiến đi qua Okinawa ra Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Trung Quốc muốn chiếm nhiều Biển Đông hơn

Philippines đã phản đối sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc, ban đầu lên đến hàng trăm chiếc nhưng đã giảm xuống hàng chục trong những ngày gần đây, tại Đá Ba Đầu, gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Manila gọi là Rạn Julian Felipe.

Philippines nói rằng các tàu này là lực lượng dân quân biển nhưng Trung Quốc khẳng định họ là tàu đánh cá dân sự “tránh bão” tại "ngư trường truyền thống" của họ.

Hôm thứ Ba (6/4), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Manila “có động cơ thầm kín và ý định thù địch” khi gọi các tàu Trung Quốc là lực lượng dân quân hàng hải, đồng thời nhắc lại rằng ngư dân Trung Quốc được hưởng quyền đánh bắt cá và tìm nơi trú ẩn trong khu vực “từ hàng nghìn năm nay”.

"Tôi không hiểu tại sao một số bên liên quan lại gọi ngư dân Trung Quốc là lực lượng dân quân hàng hải ... Câu nói này phản ánh động cơ thầm kín và ý đồ thù địch", ông Triệu cho hay.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (5/4) rằng Manila sẽ phản đối hàng ngày cho đến khi Trung Quốc rút hết các tàu của họ. Bộ này cũng trích dẫn chiến thắng năm 2016 của Manila tại một tòa án quốc tế, nơi đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" đối với phần lớn Biển Đông.

Hôm thứ Ba (6/4), ông Triệu Lập Kiên nói: “Phán quyết của trọng tài Biển Đông là bất hợp pháp và không hiệu quả. Phía Trung Quốc không chấp nhận hoặc công nhận phán quyết, và phản đối phía Philippines sử dụng phán quyết bất hợp pháp để phủ nhận quyền đánh bắt ngàn năm của ngư dân Trung Quốc trong khu vực".

“Chúng tôi kêu gọi phía Philippines nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và hợp lý, ngừng cường điệu và ngừng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Biển Đông", ông Triệu cho hay.

Hôm Chủ nhật (4/4), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết “sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm các địa điểm ở Biển Tây Philippines”.

Philippines đã giảm bớt những lời chỉ trích vào hôm thứ Ba (6/4) và cảnh báo rằng căng thẳng hiện tại có nguy cơ gây ra “những hành động thù địch không mong muốn”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề ở rặng san hô Whitsun thông qua các kênh ngoại giao và thông qua các biện pháp hòa bình”, phát ngôn viên Harry Roque của Tổng thống Duterte cho biết.

Cố vấn pháp lý hàng đầu của ông Duterte, Salvador Panelo cảnh báo rằng “các cuộc xâm phạm lãnh thổ hiện tại của Trung Quốc đang tạo ra một vết nhơ không mong muốn trong mối quan hệ của họ và có thể gây ra những hành động thù địch mà cả hai nước đều không muốn theo đuổi”.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-ly-giai-ve-doi-tau-o-bien-dong-cao-buoc-philippines-thoi-phong-van-de-post126873.html