Trung Quốc mở cửa trở lại rút dòng tiền ngoại khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á

Sự quan tâm mạnh mẽ đối với thị trường chứng khoán Đông Nam Á như đã thấy trong năm qua đang bắt đầu giảm khi Trung Quốc mở cửa trở lại thu hút các nguồn vốn toàn cầu đến các thị trường phía bắc với định giá hấp dẫn hơn.

Một phân tích về các vị trí quỹ tương hỗ châu Á vào tháng 11 của HSBC cho thấy, các quỹ tương hỗ đã cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu các thị trường Indonesia và Singapore, đồng thời tăng tỷ trọng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc). Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường Đông Nam Á duy nhất được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong tháng 12.

Sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm cả đồng nội tệ có khả năng phục hồi và lạm phát ở mức ổn định đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến khu vực vốn thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong danh mục đầu tư toàn cầu. Điều đó có thể thay đổi trong năm nay khi Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại và cổ phiếu công nghệ có tiềm năng chạm đáy, có thể mang lại động lực hồi phục cho thị trường Đài Loan và Hàn Quốc.

Dòng vốn khối ngoại đổ vào các thị trường Đông Nam Á chủ chốt trong năm 2022

Dòng vốn khối ngoại đổ vào các thị trường Đông Nam Á chủ chốt trong năm 2022

Herald van der Linde, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu châu Á tại HSBC cho biết: “Sự quan tâm đến Trung Quốc và Bắc Á đang tăng lên, một phần là do Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều đó có thể dịch chuyển một phần từ các cổ phiếu thị trường Đông Nam Á”.

Việc dịch chuyển ra khỏi thị trường Đông Nam Á sẽ chấm dứt một số dòng vốn đầu tư kỷ lục vào năm ngoái. Cả Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận dòng vốn ngoại đổ vào năm ngoái, nhờ giá hàng hóa tăng vọt và sự phục hồi của ngành du lịch. Khối ngoại cũng mua ròng cổ phiếu Malaysia sau 4 năm, trong khi Việt Nam ghi nhận dòng vốn vào cao nhất kể từ năm 2018.

Mặc dù các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn duy trì khả năng phục hồi, nhưng bất kỳ tin tốt nào khác dường như đã được phản ánh phần lớn vào giá. Ngoài ra, áp lực lạm phát đang diễn ra và nhu cầu toàn cầu chậm lại có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng vào năm 2023.

Các nhà sản xuất trong khu vực vẫn đang chịu áp lực khi hoạt động tiếp tục bị thu hẹp và ngoại trừ Thái Lan được thúc đẩy nhờ du lịch, tổng sản phẩm quốc nội thực tế được dự báo sẽ chậm lại trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm nay.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới chậm lại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến cổ phiếu của Việt Nam và là điềm xấu đối với tiền đồng, vốn nằm trong số những đồng tiền hoạt động tốt nhất ở châu Á vào năm 2022.

Miguel Chanco, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Pantheon Macroeconomics Ltd. cho biết: “Đồng VND vẫn còn khá đắt trên cơ sở tỷ giá hối đoái hiệu quả thực tế và theo cảm nhận của tôi, triển vọng chung về triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là quá lạc quan”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-mo-cua-tro-lai-rut-dong-tien-ngoai-khoi-thi-truong-chung-khoan-dong-nam-a-post313060.html