Trung Quốc, Nga đề nghị dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt Triều Tiên, Mỹ phản đối

Nga cho biết việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt là động thái nhằm khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng và thể hiện tính nhân đạo.

Trung Quốc và Nga hôm thứ Hai đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ một số lệnh cấm đối với Triều Tiên trong lĩnh vực xuất khẩu tượng, hải sản và dệt may. Nga cho biết đây có thể là động thái nhằm khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Dự thảo cũng kêu gọi bỏ lệnh cấm đối với người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài và chấm dứt yêu cầu những người lao động như vậy hồi hương vào tuần tới. Dự thảo cũng sẽ miễn các dự án hợp tác đường sắt và đường bộ liên Triều khỏi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Hiệu vẫn chưa rõ khi nào hay liệu dự thảo nghị quyết có thể được đưa ra bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên hay không. Một nghị quyết muốn được Hội đồng Bảo an thông qua cần có chín phiếu ủng hộ và không có sự phản đối nào của Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga hoặc Trung Quốc.

Chúng tôi không có ý định tiến hành nhanh, Đại sứ Liên hợp quốc của Nga Vassily Nebenzia nói với truyền thông, và cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán với các thành viên của Hội đồng sẽ bắt đầu vào thứ Ba. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt mà họ đã đề xuất dỡ bỏ là không liên quan trực tiếp đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đây là vấn đề nhân đạo.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết bây giờ không phải là lúc để Hội đồng Bảo an xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì nước này đang đe dọa tiến hành một cuộc khiêu khích leo thang, từ chối gặp để thảo luận về phi hạt nhân hóa, tiếp tục duy trì và tiến tới sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm cũng như các chương trình tên lửa đạn đạo.

Nga và Trung Quốc đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các ngành công nghiệp đã từng giúp Triều Tiên kiếm được hàng trăm triệu đô la và đầu tư vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm 2016 và 2017.

Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã khẳng định rằng không nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt nào của Liên hợp quốc cho đến khi Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bình Nhưỡng đã chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc vì những chương trình đó từ năm 2006.

Về phía Bắc Triều Tiên, như trong quá khứ, điều rất quan trọng là hội đồng cần duy trì sự thống nhất, Đại sứ của Đức tại Liên hợp quốc Christoph Heusgen cho biết hôm thứ Hai.

Mối lo ngại đang gia tăng trên phạm vi quốc tế rằng Triều Tiên có thể nối lại vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân - bị đình chỉ kể từ năm 2017 - vì các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington đã bị đình trệ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6 năm 2018, nhưng không có tiến triển nào được thực hiện và ông Kim đặt ra cho ông Trump hạn chót đến cuối năm 2019 để thể hiện sự linh hoạt. Tuy nhiên, đặc phái viên của Triều Tiên Liên hợp quốc đã tuyên bố trong tháng này là vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị Triều Tiên đưa ra khỏi bàn đàm phán vì sự “câu giờ” của Mỹ.

Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết ông Trump vẫn cam kết đạt được tiến bộ bằng cách sử dụng ngoại giao.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Alekseevich Nebenzya cho biết dự thảo nghị quyết nhằm khuyến khích các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Đó là toàn bộ ý tưởng của nghị quyết này và chúng tôi thực sự muốn tạo điều kiện dù nghị quyết không được thực hiện, ông nói thêm.

Dự thảo hoan nghênh việc tiếp tục đối thoại giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên ở tất cả các cấp, nhằm thiết lập quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, xây dựng niềm tin lẫn nhau và tham gia nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều.

Họ cũng kêu gọi các cuộc đàm phán sáu bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản sẽ được nối lại hoặc khởi động các cuộc tham vấn đa phương ở bất kỳ phương thức tương tự nào khác, với mục tiêu xây dựng hòa bình và giải pháp toàn diện thông qua đối thoại.

Nga và Trung Quốc từ lâu đã nói Hội đồng Bảo an nên “thưởng” cho Bình Nhưỡng sau khi ông Kim cam kết vào năm 2018 sẽ hướng tới phi hạt nhân hóa.

Dự thảo nghị quyết mà Nga và Trung Quốc đưa ra cho Hội đồng Bảo an cho biết các lệnh trừng phạt sẽ chấm dứt nhằm mục đích tăng cường sinh kế của người dân.

Bình Nhưỡng nổi tiếng với việc xây dựng những bức tượng khổng lồ, theo phong cách xã hội chủ nghĩa, mà nó xuất khẩu chủ yếu sang các nước châu Phi. Một số nhà phân tích ước tính rằng Triều Tiên đã kiếm được hàng chục triệu đô la bán những bức tượng như vậy.

Triều Tiên cũng kiếm được hàng triệu đô la từ hải sản. Một nhà ngoại giao của Liên hợp quốc cho biết vào năm 2017 rằng Triều Tiên đã kiếm được khoảng 295 triệu đô la từ xuất khẩu thủy sản trong năm đó.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên sau than đá và các khoáng sản khác trong năm 2016, với tổng trị giá 752 triệu đô la, theo dữ liệu từ Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA). Gần 80% hàng dệt may xuất khẩu sang Trung Quốc, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Tiền lương của lao động xuất khẩu cũng là một nguồn cung cấp ngoại tệ lớn cho chính phủ Bình Nhưỡng. Một nhà điều tra nhân quyền của Liên hợp Quốc cho biết vào năm 2015 Triều Tiên đã gửi hơn 50.000 người ra nước ngoài làm việc, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc, kiếm được từ 1,2 tỷ đến 2,3 tỷ đô la mỗi năm.

Trâm Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/trung-quoc-nga-de-nghi-do-bo-mot-so-lenh-trung-phat-doi-voi-trieu-tien-my-phan-doi-325156.html