Trung Quốc phát triển vaccine Covid-19 mới có hiệu quả chống các loại biến thể
Trung Quốc đang phát triển một loại vaccine Covid-19 mới được các chuyên gia dự đoán có thể là loại vaccine hiệu quả nhất được phát triển ở nước này, lên đến 79% đối với biến thể Delta và 67% đối với các biến thể khác.
Theo một thông báo vừa được Công ty thuốc sinh học Tam Diệp Thảo (Clover Biopharmaceuticals) có trụ sở tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc công bố, vaccine SCB-2019, một ứng cử viên vaccine Covid-19 tái tổ hợp dựa trên protein do công ty này bào chế có tác dụng bảo vệ “rõ rệt” đối với tất cả các biển thể của SARS-CoV-2.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng quan trọng trên toàn cầu giai đoạn II và III, gọi là SPECTRA vừa công bố đêm 22/9 cho thấy, vaccine này đã chứng minh đạt hiệu quả tổng thể 79% chống lại Covid-19 ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào gây ra bởi biến thể Delta - biến thể thống trị toàn cầu, hiện chiếm hơn 90% tổng số ca bệnh trên toàn thế giới.
Thông báo cũng cho biết, vaccine SCB-2019 có hiệu quả 92% với biến thể Gamma và 59% đối với biến thể Mu, đồng thời đạt hiệu quả tổng thể là 67% đối với Covid-19 ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào gây ra bởi bất kỳ chủng nào trong nghiên cứu.
Theo truyền thông Trung Quốc, điều này đánh dấu SCB-2019 trở thành ứng cử viên vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được chứng minh có hiệu quả chống lại cả 3 biến thể Delta, Gamma và Mu.
Hơn 30.000 người từ 18 tuổi trở lên và người cao tuổi đã tham gia thử nghiệm lâm sàng SPECTRA từ tháng 3 đến tháng 9/2021, tại 31 trung tâm nghiên cứu ở 5 quốc gia, gồm Philippines, Brazil, Colombia, Nam Phi, Bỉ thuộc 4 châu lục, với thời gian tiêm cách nhau giữa 2 mũi là 21 ngày.
Kết quả do công ty này công bố cho thấy, vaccine có hiệu quả 100% chống lại Covid-19 nghiêm trọng và nhập viện, 84% chống lại Covid-19 mức độ từ trung bình đến nặng, gây ra bởi bất kỳ chủng SARS-CoV-2 nào trong thử nghiệm lâm sàng SPECTRA.
Đây cũng là vaccine Covid-19 đầu tiên cho thấy khả năng giúp những người từng mắc bệnh trước đó giảm đáng kể nguy cơ tái nhiễm sau khi được tiêm vaccine. Trong đó, nguy cơ tái nhiễm có triệu chứng do biến thể Delta gây ra giảm 79,1%, với bất kỳ biến chủng nào giảm 64,2%.
Công ty này đã lên kế hoạch nộp đơn xin phê duyệt có điều kiện tới các cơ quan quản lý, gồm Cục Quản lý Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào quý 4 năm nay.
Sau khi được phê duyệt có điều kiện, dự kiến các sản phẩm đầu tiên của vaccine này sẽ ra mắt vào cuối năm 2021. Nếu được đưa vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) của WHO, công ty này sẽ cung cấp 414 triệu liều vaccine SCB-2019 ra toàn cầu trong năm nay thông qua cơ chế COVAX./.