Trung Quốc: Phục hồi kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn
Các dữ liệu mới nhất cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh sản lượng công nghiệp tăng trưởng thấp hơn dự báo và doanh số bán lẻ tiếp tục suy giảm.
Dữ liệu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 5/2020 của nước này đã tăng nhanh 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận sự gia tăng sản lượng công nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất mà khối sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc ghi nhận kể từ tháng 12/2019.
Trong tháng 4/2020, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng đầu tiên sản lượng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch Covid-19.
Các nền kinh tế lớn khác trên thế giới hiện đang theo dõi sát sao quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh nhiều nước đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 và tái khởi động nền kinh tế. Giới phân tích nhận định các dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất thép và doanh số bán xe ô tô đang hỗ trợ tích cực đến sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, mức gia tăng sản lượng công nghiệp trong tháng 5/2020 vẫn thấp hơn mức dự báo tăng 5% được giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó. Điều này có thể cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn để quay trở lại quỹ đạo như trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc có thể sẽ còn mất nhiều tháng nữa mới quay trở lại như trước khi dịch bệnh bùng phát. Việc suy giảm mạnh số đơn hàng xuất khẩu đối với các sản phẩm Trung Quốc trong bối cảnh hầu hết các hoạt động kinh tế trên toàn cầu bị ngưng trệ khiến các nhà máy tại nước phải phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Trong khi đó, đà phục hồi thị trường trong nước của Trung Quốc đang ở mức yếu. Dữ liệu về bán lẻ và đầu tư trong tháng 5/2020 của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, phản ánh khả năng bất định và phục hồi yếu tại nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế nước này.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 5/2020 đã tiếp tục giảm 2,8%, mặc dù mức giảm này đã thấp hơn đáng kể so với mức giảm 7,5% ghi nhận hồi tháng 4/2020 nhưng đây đã là tháng thứ 4 liên tiếp, doanh số bán lẻ tại nước này suy giảm. Mức suy giảm trong tháng 5/2020 cũng cao hơn dự báo suy giảm 2,0% của giới phân tích. Các dữ liệu cho thấy số lượng người mất việc làm tại Trung Quốc đã tăng mạnh cùng với đó là tâm lý lo sợ gia tăng cao về nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai, khiến niềm tin tiêu dùng suy yếu.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay, doanh số bán hàng của các cửa hàng, nhà hàng và các nơi tập trung đông người đã sụp đổ. Mặc dù các biện pháp phòng chống dịch đã được gỡ bỏ nhưng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa duy trì lại các thói quen trước khi dịch bệnh bùng phát.
GDP quý 1/2020 của Trung Quốc đã sụt giảm 6,8% - đánh dấu mức sụt giảm tăng trưởng kinh tế đầu tiền của nước này kể từ khi dữ liệu được công bố hồi năm 1992. Trong bối cảnh dự báo nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều bất ổn, Chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên trong 20 năm trở lại đây không đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa qua đã cho biết các tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế nước này nghiêm trọng hơn các dự báo và sẽ cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để giúp nền kinh tế vượt qua các khó khăn do dịch bệnh gây ra.