Trung Quốc ráo riết phát triển công nghệ hàng không, muốn qua mặt Mỹ
Hàng loạt chiến đấu cơ, máy bay vận tải và UAV mới được Trung Quốc giới thiệu tại triển lãm Chu Hải cho thấy tham vọng phát triển công nghệ hàng không của nước này.
Trung Quốc giới thiệu hàng loạt máy bay tiên tiến, từ máy bay chiến đấu thế hệ 5, đến phi cơ không người lái mới nhất tại triển lãm hàng không lớn nhất nước này. Triển lãm thu hút sự chú ý của các nước về công nghệ quân sự cao cấp của Bắc Kinh, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Washington.
Các chuyên gia quân sự, nhà quan sát đặc biệt tập trung vào triển lãm năm nay, vì đây là triển lãm quân sự quy mô lớn đầu tiên sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
J-20 liên tục được cải tiến
Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải hồi đầu tháng 10 đã thu hút sự quan tâm của giới quan sát và khán giả trong nước bằng màn trình diễn của hai chiến đấu cơ thế hệ 5 J-20.
PLA Daily, tờ báo chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, còn đăng một video dài hơn 2 phút về chuyến bay trình diễn của J-20 trên mạng xã hội WeChat.
J-20 được không quân Trung Quốc đánh giá tương đương với F-22 của Mỹ và Su-57 của Nga. Các chuyên gia Trung Quốc nói J-20 có thể tiếp nhiên liệu trên không và phóng tên lửa hành trình tầm xa.
J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011, đưa vào trang bị từ năm 2017. Nó là sản phẩm của Tổng Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Phiên bản đầu tiên của J-20 không được xem là một sản phẩm hoàn toàn của Trung Quốc, vì sử dụng động cơ AL-31F của Nga.
Phiên bản J-20 sử dụng động cơ phản lực WS-10 nội địa bắt đầu được đưa vào trang bị từ năm 2019. Không quân Trung Quốc thừa nhận sự thay đổi này trong cuộc triển lãm năm nay. J-20 đã thể hiện việc được trang bị động cơ mới bằng màn trình diễn bay lên cao ở phương gần như thẳng đứng.
Ông Bonji Ohara, thành viên cao cấp tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa có trụ sở tại Tokyo, cho biết J-20 kém hơn F-22 về khả năng cơ động, bất chấp tuyên bố của Trung Quốc rằng nó ngang ngửa F-22.
“J-20 đã thể hiện khả năng bay thẳng đứng, nhưng chậm và kết thúc nhanh hơn so với những gì F-22 có thể làm. Điều này có thể do sự khác biệt về lực đẩy động cơ”, ông Ohara nói.
Để bay thẳng đứng, động cơ của máy bay phải có tỷ lệ công suất/trọng lượng lớn hơn 1. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng của J-20 nhỏ hơn 1, dẫn đến thiếu hụt sức mạnh và không thể duy trì lâu khi bay thẳng đứng. J-20 cần bán kính quay vòng lớn hơn F-22, một phần do kích thước của nó lớn hơn.
Dù còn kém F-22, dữ liệu từ J-20 cho thấy hiệu suất của nó liên tục được cải tiến. J-20 xuất hiện lần đầu tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2016, để lại cho người hâm mộ nhiều thất vọng với chuyến bay trình diễn ngắn và buồn tẻ.
Tại triển lãm Chu Hải năm 2018, J-20 cũng không gây được nhiều ấn tượng. Nhưng tại triển lãm năm nay, J-20 đã có màn trình diễn ấn tượng hơn với những pha nhào lộn và cơ động ở phạm vi hẹp. Điều này cho thấy những cải tiến về mặt động cơ.
Bên cạnh J-20 với động cơ mới, Trung Quốc lần đầu giới thiệu máy bay tác chiến điện tử J-16D, được phát triển từ tiêm kích J-16 - một thiết kế sao chép từ Su-30 của Nga.
J-16D được chế tạo cho nhiệm vụ phát hiện radar, phóng tên lửa chống bức xạ và gây nhiễu hệ thống phòng không đối phương. Nó được xem là đối thủ của máy bay tác chiến điện tử EA-18G của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn giới thiệu các máy bay mới như vận tải cơ Y-20 có vai trò chiến lược đối với khả năng không vận của nước này.
Mô hình trực thăng vận tải chiến lược Z-20 cũng được trưng bày tại triển lãm. Máy bay cảnh báo sớm KJ-500 được phát triển dựa trên KJ-2000 cũng được giới thiệu.
Ông Ohara cho biết Trung Quốc đã quyết định phát triển các máy bay vận tải, cảnh báo sớm và trực thăng sau khi không thể mua đủ số lượng cần từ Nga.
Hàng loạt mẫu UAV mới
Triển lãm Chu Hải năm nay thu hút sự quan tâm của người hâm mộ và giới quan sát quân sự bởi hàng loạt mẫu máy bay không người lái (UAV) mới. Các UAV mới nhấn mạnh vai trò quan trọng của chúng trong chiến lược quân sự của Trung Quốc, giúp bù đắp sự thiếu hụt nhân lực, năng lực và kinh nghiệm.
UAV có chi phí tương đối thấp trong mua sắm, vận hành và có thể thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm mà máy bay có người lái thường phải tránh.
Các mẫu UAV mới có thể kể đến như UAV tấn công tàng hình GJ-11. Mô hình của nó có thiết kế khí động học tương tự RQ-170 Sentinel của Mỹ. Trong khi đó, WZ-7 được xem là "phiên bản Trung Quốc" của máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk (Mỹ).
Đây là lần đầu tiên WZ-7 được giới thiệu công khai tại triển lãm. Không quân Trung Quốc cho biết WZ-7 được thiết kế để giám sát các khu vực biên giới, vùng biển. Truyền thông Trung Quốc cho biết WZ-7 có thể bay với tốc độ 700 km/h ở độ cao 20.000 m trong vòng 10 giờ, bán kính hoạt động khoảng 2.500 km.
RQ-4 có thể hoạt động liên tục 30 giờ ở độ cao 20.000 m, hoặc giám sát trên quãng đường dài 20.000 km.
Một mẫu UAV khác thu hút sự quan tâm là WZ-8. Đây là loại UAV trinh sát tốc độ cao được giới thiệu lần đầu tại cuộc duyệt binh năm 2019. WZ-8 được cho là có thể bay với tốc độ Mach 6 (khoảng 7.400 km/h) ở độ cao 50.000 m.
WZ-8 có một móc treo ở phía trên để gắn vào dưới cánh máy bay ném bom hoặc máy bay vận tải để đưa nó lên không trung. Mẫu UAV gây ấn tượng khác là CH-6. Nó được trang bị 2 động cơ phản lực ở phía trên gần đuôi. CH-6 được cho là có thể mang theo 2 tấn bom và tên lửa các loại.
Golden Eagle 150B Swarm là mẫu UAV phóng lựu ở tầm thấp. Nó được thiết kế để hoạt động theo kiểu bầy đàn, bao gồm 8 động cơ cánh quạt mà mỗi chiếc có thể mang theo 8 đạn cối.
FH-97 là mẫu UAV đa năng được thiết kế cho vai trò "tàu mẹ" để phóng các UAV cỡ nhỏ. Mẫu UAV này có thể dùng cho nhiệm vụ trinh sát, làm mồi nhử cho các hệ thống phòng không, hoặc tấn công cảm tử.
Bên cạnh sự đa dạng về các mẫu UAV, Trung Quốc còn giới thiệu mẫu tàu chiến không người lái, được gọi là tàu Aegis nhỏ nhất thế giới. Con tàu dài 15 m, rộng 4,8 m và có lượng choán nước khoảng 20 tấn. Nó được trang bị radar có thể phát hiện máy bay tàng hình.
Tàu chiến này có thể phóng ngư lôi diệt tàu ngầm ở cự ly 8 km, hoặc phóng tên lửa phòng không từ ống phóng thẳng đứng để diệt máy bay.
Giới phân tích cho rằng loạt máy bay, tàu chiến không người lái có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan.
Người ta vẫn chưa thể xác định các mẫu máy bay, UAV và robot chiến đấu được trưng bày tại triển lãm đã được đưa vào sử dụng, hay chỉ là mô hình đang phát triển; nhưng nó cho thấy tham vọng to lớn của Trung Quốc.
Triển lãm Chu Hải cho thấy Trung Quốc đang thu hẹp dần khoảng cách công nghệ với Mỹ. Điều này báo hiệu Mỹ và một số đồng minh thân cận cần phải thay đổi cách tiếp cận để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Nikkei Asia kết luận.