Trung Quốc sẽ là một cường quốc như thế nào ? (Kỳ 2)

Michael Schuman, tác giả cuốn Superpower Interrupted: The Chinese History of the World) cho rằng, thế giới quan của Trung Quốc thời phong kiến nhiều khả năng sẽ định hình quan điểm và cách thức phát huy sức mạnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

 Lãnh đạo Trung Quốc muốn đẩy mạnh sức mạnh mềm của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy giá trị của Trung Quốc, cả cũ lẫn mới.

Lãnh đạo Trung Quốc muốn đẩy mạnh sức mạnh mềm của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy giá trị của Trung Quốc, cả cũ lẫn mới.

Trung Quốc xuất khẩu các giá trị riêng

Một lý do củng cố cho lập luận rằng Trung Quốc sẽ là một cường quốc hòa bình là chính sách đối ngoại không mang tính luân lý của nước này. Người ta lập luận rằng, không như Mỹ, một nước muốn các nước phải đi theo con đường tự do của mình, Trung Quốc dường như không quan tâm tới việc làm thay đổi thế giới, mà chỉ muốn kiếm tiền từ thế giới. Điều này phần nào là đúng. Trung Quốc sẵn sàng bán công nghệ 5G của Huawei cho cả những nước chuyên chế như Nga lẫn những nền dân chủ như Đức.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lịch sử, người Trung Quốc tin rằng, văn hóa của mình có khả năng chuyển hóa - có thể biến dân tộc khác thành người văn minh. Bản thân Khổng Tử cũng nghĩ vậy. Trên thực tế, các vĩ nhân Trung Quốc không kỳ vọng các nước sẽ đi theo con đường của Trung Quốc, nhưng họ cũng đã quảng bá giá trị văn hóa tới các nước trên thế giới.

Người Trung Quốc cũng hiểu mối liên hệ giữa văn hóa và quyền lực. Những dân tộc khác đã ngưỡng mộ Trung Quốc, xã hội hiện đại nhất Đông Á, khi nước này tự xây dựng vương quốc của mình, và họ đã vay mượn các quy định pháp luật, thể chế quản trị, phong cách nghệ thuật, văn học và cả ký tự từ Trung Quốc. Hiện tượng văn hóa này đã giúp Trung Quốc duy trì được tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực kể cả khi bị suy yếu về chính trị.

Lãnh đạo Trung Quốc hiểu điều này rất rõ, và muốn đẩy mạnh sức mạnh mềm của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy giá trị của Trung Quốc, cả cũ lẫn mới. Họ từng nói, thực tế cho thấy con đường và chế độ của Trung Quốc đã thành công. Đây là mục đích của các Viện Khổng Tử, một chương trình của chính phủ nhằm quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc.

Khi đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, các quan chức và giới truyền thông Trung Quốc đã không ngừng quảng bá mô hình quản trị của Trung Quốc, trong khi chỉ trích cách một nền dân chủ như Mỹ ứng phó với dịch bệnh. Ý nghĩa của việc này là, Trung Quốc hiện đại sẽ muốn các nước giống mình, cũng không khác với tư duy của các hoàng đế khi xưa. Có nghĩa là, Trung Quốc sẽ ủng hộ các thể chế giống với mình. Trên thực tế, Trung Quốc đã làm điều này: kết giao với những chính phủ không tự do mà bị nước khác quay lưng như Triều Tiên, Iran, Belarus...

Trung Quốc và ứng xử “cửa trên”

Kể từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã tự coi mình là hơn người khác vì họ tin rằng nền văn minh của họ là tối thượng. Điều này đã định hình nên thế giới quan mà theo đó Trung Quốc ở vị trí trên cùng về thứ bậc. Họ không tin vào các mối quan hệ bình đẳng, ít nhất là về mặt chính thức.

Trật tự thế giới của Trung Quốc, với những quy tắc và quy phạm của Trung Quốc, được dựa trên nguyên tắc về sự tối thượng của Trung Quốc và việc các nước chấp nhận vị thế đó. Về truyền thống, khi Trung Quốc bị buộc phải chấp nhận vị trí yếu kém, hay thậm chí là ngang bằng một cường quốc khác, người Trung Quốc thường bất mãn và cố gắng giành lại vị thế bế trên của mình một khi đã đủ sức mạnh để đảo ngược tình thế.

Ngày nay, điều đó lại đang xảy ra. Khó chịu bởi những gì họ coi là sỉ nhục từ các thế lực phương Tây - từ cuộc chiến thuốc phiện cho tới những hiệp ước “bất bình đẳng” làm Trung Quốc mất đi chủ quyền - Trung Quốc đang nỗ lực để lấy lại thế thượng phong. Như lãnh đạo Trung Quốc đã nói, nước này sẽ không bao giờ chấp nhận bị một nước nào ức hiếp. Đó chính là mục tiêu của các chính sách hiện nay của họ, từ việc phát triển năng lực quân sự cho tới các dự án nhà nước nhằm giúp Trung Quốc vượt qua phương Tây về công nghệ. Ngoại giao của Trung Quốc ngày càng có xu hướng cứng rắn khi phải đối mặt với thách thức từ các nước khác như Mỹ, Ấn Độ hay Úc.

Điều có thể thấy rõ từ nghiên cứu lịch sử Trung Quốc là, Trung Quốc không chỉ muốn trở thành cường quốc - họ tin rằng, họ xứng đáng làm cường quốc. Trong những thế kỷ trước, người Trung Quốc tin rằng hoàng đế của mình có quyền cai trị tuyệt đối. Do thực tế về công nghệ và khoảng cách, tầm với của Trung Quốc thường bị giới hạn trong khu vực. Nhưng giờ đây, trong thời đại toàn cầu hóa, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể sẽ đạt được mục tiêu đó.

(Theo The Atlantic)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-se-la-mot-cuong-quoc-nhu-the-nao-ky-2-125801.html