Trung Quốc sẽ 'tự hại mình' nếu ồ ạt bán trái phiếu Mỹ
Giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dâng cao, một phương án trả đũa mà Bắc Kinh có thể nhắm đến là bán lượng trái phiếu chính phủ Mỹ khổng lồ trị giá hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ, được ví như 'vũ khí hạt nhân kinh tế' của nước này.
Động thái bán ồ ạt trái phiếu Mỹ sẽ khiến lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, dẫn đến chi phí trả lãi cho khoản nợ quốc gia khổng lồ của nước này cũng tăng theo, gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Mỹ. Song nếu hành động như vậy, Trung Quốc sẽ “tự hại mình” đồng thời vô tình làm lợi cho Mỹ.
Các doanh nghiệp và các lãnh đạo Mỹ từ lâu lo ngại việc Trung Quốc nắm giữ lượng trái phiếu quá lớn, có giá trị tương đương 1.130 tỉ đô la sẽ là một tổn thương chiến lược đối với Mỹ. Mối lo ngại đó được hâm nóng trở lại khi ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, một phụ san của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên Twitter hôm 13-5 rằng: “Nhiều học giả Trung Quốc đang thảo luận khả năng bán mạnh trái phiếu Mỹ và cách cụ thể để làm điều này”.
Karl W. Smith, cựu Phó giáo sư Kinh tế ở trường Hành chính công thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) nhận định các cuộc thảo luận như vậy không gây ngạc nhiên nhưng theo ông, việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ không chỉ tàn phá nền kinh tế của chính nước này mà còn vô tình làm lợi cho Tổng thống Donald Trump, hay nói chính xác hơn là những mục tiêu mà ông đang theo đuổi trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo ông Karl W. Smith, bán một lượng lớn trái phiếu sẽ dẫn đến hai tác động chính đối với thị trường Mỹ và toàn cầu và đó đều là những mục tiêu mà ông Trump đang tìm kiếm.
Tác động đầu tiên và rõ ràng nhất là đẩy trái phiếu Mỹ đi xuống. Giá và lãi suất trái phiếu biến động nghịch chiều, vì vậy khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên do bị Trung Quốc bán tháo thì giá của chúng sẽ giảm xuống.
Điều này dường như đi ngược lại với mong muốn giảm lãi suất của đồng đô la mà ông Trump nhiều lần đề cập vì thực tế cho thấy, lãi suất trái phiếu Mỹ biến động sát với lãi suất đồng đô la.
Song ám ảnh của Trump với lãi suất của đồng đô la Mỹ xuất phát từ một quan tâm lớn hơn: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Trump muốn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vì điều này sẽ buộc các ngân hàng Mỹ giải phóng một phần của 1.400 tỉ đô la mà họ đang nắm giữ ra thị trường, từ đó, thúc đẩy các hoạt động trong nền kinh tế.
Nếu Trung Quốc bán một lượng lớn trái phiếu Mỹ, hiệu ứng tương tự cũng sẽ xảy ra: Khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng, các ngân hàng Mỹ sẽ sử dụng nguồn đô la dự trữ của họ để mua thêm tài sản, tức sẽ giúp bơm tiền nhiều hơn vào nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Tác động thứ hai là làm giảm giá đồng đô la. Khi Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ, nước này sẽ thu về đô la. Trung Quốc có thể sử dụng nguồn đô la này để mua các tài sản khác của Mỹ nhưng khả năng này sẽ không xảy ra vì mục đích của việc bán trái phiếu là thoát khỏi các tài sản của Mỹ.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải sử dụng đồng đô la để mua các tiền tệ mạnh khác như euro, bảng Anh... Đồng đô la Mỹ tràn ngập trên thị trường ngoại hối sẽ làm suy yếu giá trị của nó. Đô la Mỹ giảm giá sẽ khiến chi phí nhập khẩu hàng hóa nước ngoài của Mỹ cao hơn nhưng giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này trở nên rẻ hơn và cạnh tranh hơn.
Nói cách khác, đô la suy yếu có thể khiến người Mỹ giảm mua hàng hóa nước ngoài vì giá đắt và khuyến khích người nước ngoài mua hàng hóa Mỹ vì giá rẻ đi. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ mạnh hơn so với đồng đô la Mỹ sẽ làm suy yếu tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rõ ràng mục tiêu của ông là Mỹ phải xuất khẩu nhiều hơn, nhập khẩu ít lại và ông sẵn sàng tăng thuế với hàng hóa nước ngoài để đạt mục tiêu này.
Các quan chức chính quyền Mỹ dường như đã nhận ra những lợi thế khi đô la suy yếu. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi đầu năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng đô la yếu đi sẽ tốt cho nền kinh tế Mỹ.
Kịch bản Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ, nếu diễn ra với tốc độ mạnh mẽ, thì đến một lúc nào đó, đô la suy yếu đến mức giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ cân bằng với giá trị xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc. Như vậy, mức thâm hụt thặng dư thương mại khổng lồ của hai nước sẽ được xóa bỏ hiệu quả và đó là một trong những mục tiêu chính của ông Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo Bloomberg
Lê Linh