Trung Quốc: Số ca nghi nhiễm nCoV giảm nhờ cải thiện xét nghiệm y tế

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút Corona chủng mới tại bệnh viện ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 2/2/2020 - Ảnh: THX/ TTXVN

* Doanh nghiệp toàn cầu chống đỡ vi rút Corona

Theo China Daily, số liệu mới cho thấy trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Corona chủng mới ở Trung Quốc đã giảm ngày thứ hai liên tiếp, xuống dưới 4.000 người vào ngày 4/2.

Theo các chuyên gia y tế, đây là kết quả của sự gia tăng các xét nghiệm y tế đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho thấy 3.971 ca nghi nhiễm được ghi nhân vào ngày 4/2, giảm so với con số 5.072 vào ngày 2/2 và 5.173 ca ngày 3/3. Tại Hồ Bắc, số ca nhiễm mới được ghi nhận cũng đã giảm xuống 1.2225 ca vào ngày 4/2.

"Sự cải thiện về khả năng xét nghiệm đã khiến những bệnh nhân bị nhiễm vi rút corona chủng mới được chăm sóc tốt và kịp thời hơn, và những người khỏi bệnh đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, đây là một tín hiệu đáng khích lệ tại Hồ Bắc cũng như trên khắp đất nước", Song Shuli, người phát ngôn của ủy ban trên cho biết ngày 5/2.

Tuyên bố trên được đưa ra tại một buổi họp báo của Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung của Hội đồng nhà nước Trung Quốc. Đây là một hệ thống liên chính phủ nhằm củng cố các nỗ lực phòng chống dịch bệnh từ các cơ quan chính phủ khác nhau.

Li Xingwang, ngườ đứng đầu Trung tâm truyền nhiễm của bệnh viện Ditan Bắc Kinh cho biết số ca bệnh được xác nhận cũng tăng lên, do những người bị nghi ngờ nghiễm vi rút đã có thể truy cập vào các công cụ xét nghiệm nhanh chóng hơn. Việc xét nghiệm vi rút tại Hồ Bắc được tăng tốc nhanh chóng.

Mặc dù những tín hiệu tích cực đã xuất hiện, nhưng còn quá sớm để xác định sự phát triển của dịch bệnh. Việc phát hiện hai trường hợp trẻ sơ sinh tại Vũ Hán nhiễm vi rút corona chủng mới (nCoV) ngày 5/2 đã dấy lên những lo ngại về việc vi rút corona chủng mới có thể lây qua đường từ mẹ sang con.

Theo CCTV, một cháu bé có dương tính với nCoV chỉ 30 tiếng sau khi chào đời, ca bệnh nhỏ tuổi nhất từ trước tới nay, và mẹ bé đã có xét nghiệm dương tính trước khi sinh nở. Wang Chen, chủ tịch của Viện Khoa học Y học Trung Quốc, cho Tân Hoa Xã biết rằng sự lây lan của nCoV hiện vẫn chưa rõ ràng và còn rất nghiêm trọng, chúng ta "không thể đánh giá thấp”. "Chúng tôi không có bằng chứng nào để dự đoán khi nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh hay có sự tiến triển. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cũng như đưa các trường hợp biểu hiện nhẹ vào các trung tâm kiểm dịch được chỉ định để ngăn ngừa lây truyền rộng".

Trong khi đó, với sức mạnh và vị trí kinh tế của Trung Quốc trong mối quan hệ của chuỗi cung ứng toàn cầu, nCoV đang gây ra những tác động nhất định đến các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này buộc các doanh nghiệp phải có các biện pháp ứng phó kịp thời trong bối cảnh Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ít nhất ngày 10/2 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp trước tiên do Trung Quốc quyết định phong tỏa hàng chục thành phố và cấm các tour du lịch nước ngoài nhằm kiềm chế dịch bệnh bùng phát. Các quốc gia khác cũng khuyến cáo công dân nước mình tránh đến Trung Quốc và cấm đến từ đó.

Nhiều hãng hàng không cũng cắt giảm hoạt động của mình. Các hãng Air Canada, Air France, British Airways, Delta và Lufthansa đã hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc. Hãng Cathay Pacific của Hong Kong (Trung Quốc) đang phải chịu thiệt hại lớn nhất khi ngày 5/2 đã phải cho toàn bộ 27.000 lao động nghỉ không lương 3 tuần.

Nhiều sòng bạc ở Macau (Trung Quốc), sân chơi cho những người giàu và những "đại gia" đầy hứa hẹn từ Trung Quốc đại lục cũng đã phải đóng cửa. Các cửa hàng lưu niệm ở Paris (Pháp) - một điểm dừng chân không thể thiếu đối với du khách Trung Quốc lại "im ắng lạ thường”.

Ngành du lịch Ý cũng có nguy cơ thiệt hại lên đến 4,5 tỉ euro trong năm nay. Các du thuyền MSC Cruises, Costa Cruises và Royal Caribbean đã hủy các chặng dừng chân tại Trung Quốc.

Các rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc cũng buộc phải đóng cửa bất chấp đây là khoảng thời gian ra mắt các phim bom tấn. Theo giới phân tích, hệ thống rạp chiếu phim Imax tại Canada có thể thiệt hại từ 60-200 triệu USD doanh thu phòng vé.

Trong lĩnh vực điện tử, gã công nghệ khổng lồ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc cho đến giữa tháng này. Điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các công ty công nghệ nhập linh kiện của Foxconn, từ điện thoại iPhone của Apple đến TV màn hình phẳng và máy tính xách tay. Do đó, Apple đang xem xét các kế hoạch đền bù cho sự thiếu hụt sản phẩm từ các nhà cung cấp Trung Quốc.

Trong khi đó, tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng rút khỏi Triển lãm Di động thế giới, sự kiện hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp điện thoại thông minh, nhằm tránh sự đi lại không cần thiết. Trong khi đó, TP Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh lại là "thủ phủ" của các hãng sản xuất xe hơi nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đến Hàn Quốc.

Việc kéo dài kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc cũng có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất của các hãng. Hyundai thông báo ngừng hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc vì thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc. Hãng xe điện Tesla cho rằng nCoV có thể làm trì hoãn việc tăng tốc sản xuất theo kế hoạch tại nhà máy của hãng tại Thượng Hải (Trung Quốc) và có nguy cơ ảnh hưởng đến thu nhập của công ty trong quý này.

Ngành thực phẩm và đồ uống cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trung Quốc đại lục là thị trường lớn thứ 2 của chuỗi cửa hàng càphê Starbucks của Mỹ với hơn 4.000 cửa hàng. Tuy nhiên, một nửa trong số đó đã phải đóng cửa vì dịch bệnh. Chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald's đã đóng cửa toàn bộ tại tỉnh Hồ Bắc. Pizza Hut và KFC cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới cũng đang phải chịu những tác động từ dịch bệnh do nCoV như Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, hãng sản xuất đồ thể thao Nike, Adidas.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/234679/trung-quoc--so-ca-nghi-nhiem-ncov-giam-nho-cai-thien-xet-nghiem-y-te.html