Trung Quốc thấy bị 'uy hiếp' khi Quốc hội Mỹ họp báo ủng hộ nhóm Hoàng Chi Phong
Vào thứ tư (18.9), Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi đã tổ chức một cuộc họp báo với sự hiện diện của nhóm Hoàng Chi Phong, Hà Vận Thi và đưa ra tuyên bố ủng hộ Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019. Điều này đã được báo chí chất vấn với Bắc Kinh.
Trong buổi họp báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc vào hôm qua 19.9, phóng viên đặt câu hỏi: "Một số thông tin nói rằng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và các nhà dân biểu của lưỡng đảng đã tổ chức một cuộc họp báo về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông năm 2019. Hoàng Chi Phong và Hà Vận Thi nằm trong số những người được mời tham dự sự kiện này. Bà Pelosi nói rằng hành động này có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Hạ viện và Thượng viện. Ông có thể đưa ra một nhận xét?"
Ông Cảnh Sảng – phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Gần đây, chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố lập trường mạnh mẽ của Trung Quốc về sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề Hồng Kông với những lời nói và hành động sai lầm. Một số chính trị gia như bà Pelosi vẫn sẽ không chịu phát ngôn sửa sai. Họ đã tổ chức cuộc họp báo uy hiếp sẽ thúc đẩy hành động liên quan đến Hồng Kông và gặp gỡ các lực lượng ly khai đòi giành độc lập cho Hồng Kông. Với những bình luận không được hoan nghênh về các vấn đề Hồng Kông, họ đang can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội địa của Trung Quốc. Chúng tôi rất bất mãn và phản đối mạnh mẽ điều đó.
Tôi sẽ nhắc lại rằng các vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không được phép can thiệp nước ngoài. Chúng tôi mong muốn Mỹ tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, ngừng can thiệp vào bất kỳ hình thức nào trong các vấn đề Hồng Kông, ngừng thúc đẩy hành động liên quan đến Hồng Kông, ngừng ủng hộ các lực lượng bạo lực và cực đoan ở Hồng Kông và các lực lượng ly khai đòi giành độc lập cho Hồng Kông, và ngừng xúi giục những lời nói và hành động phá hoại sự ổn định và thịnh vượng của SAR Hồng Kông”.
Chuyến đi của nhóm Hoàng Chi Phong tới Mỹ đang gây ra bài toán khó trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhóm của Hoàng Chi Phong đã được mời tham gia trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ hôm 17.9 và có cơ hội đưa ra lời kêu gọi Mỹ can thiệp vào Hồng Kông, mà trước mắt là thúc giục Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông năm 2019.
Các ủy ban quốc hội Mỹ sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào tuần tới về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông năm 2019, với các biện pháp được xem xét bao gồm đánh giá hằng năm về tình trạng kinh tế đặc biệt của Hồng Kông và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu này.
Lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết ủy ban này đã lên lịch - tranh luận và bỏ phiếu - với dự luật vào tuần tới. Nhiều khả năng nó sẽ được thông qua và nó sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở thượng viện.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết ủy ban này cũng đang nghiên cứu vấn đề này, đồng thời hy vọng sẽ kịp lên lịch bỏ phiểu vào tuần tới.
Dự luật sau khi vượt qua cả hai viện của Quốc hội thì nó còn phải được Tổng thống Donald Trump ký để chính thức trở thành luật.
Phiên bản hiện tại của dự luật Hạ viện có yêu cầu đánh giá hằng năm về việc liệu Hồng Kông có còn đáp ứng các điều kiện - bao gồm cả quyền tự trị còn lại – dựa trên một đạo luật của Mỹ năm 1992 cho phép duy trì tình trạng kinh tế đặc biệt đối với Hồng Kông.
Nếu dự luật nói trên trở thành luật thì không ai biết sự phẫn nộ của Bắc Kinh sẽ dâng cao tới mức nào?
Xem thêm:
Ngày 18.9, Hồng Kông cho biết sẽ hủy màn bắn pháo hoa mừng Quốc khánh Trung Quốc 1/10 vì lý do an ninh, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra.
"Xét đến tình hình mới nhất và vấn đề an toàn công cộng, màn trình diễn pháo hoa mừng Quốc khánh vốn dự kiến diễn ra tại cảng Victoria vào tối 1.10 sẽ bị hủy bỏ", Cơ quan Dịch vụ Văn hóa và Giải trí Hồng Kông ra tuyên bố.
Hằng năm, màn trình diễn này thu hút rất đông người ở hai bên bến cảng. Lần gần đây nhất Hồng Kông hủy bắn pháo hoa ngày 1/10 là khi biểu tình "ô dù" diễn ra năm 2014, học sinh và sinh viên xuống đường phản đối việc Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính.