Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử, củng cố di sản trong sử sách
Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh đã kết thúc sau khi thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt lịch sử vào ngày 11/11.
Thông cáo báo chí vào ngày 11/11 nêu rõ, cuộc họp Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về các thành tựu nổi bật và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm nỗ lực của CPC.
Vào ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng (Hội nghị Trung ương 6) tại thủ đô Bắc Kinh, khoảng 400 thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua nghị quyết "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của Đảng".
Theo Thời báo hoàn cầu, các chuyên gia chính trị cấp cao của Trung Quốc cho biết, hội nghị đã tái khẳng định và củng cố tư duy "sự lãnh đạo của Đảng mang tính cốt lõi và là chìa khóa" để trả lời các câu hỏi: "Tại sao chúng ta đạt được thành công trong quá khứ? Bằng cách nào chúng ta có thể tiếp tục thành công trong tương lai? Và bản chất Trung Quốc không hề lay chuyển khi đối mặt với các thách thức trong tương lai đồng thời thực hiện quá trình trẻ hóa quốc gia.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngợi ca các thành tựu kinh tế và các chiến lược quốc gia, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc lớn thứ 2 trên thế giới.
Đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định học thuyết đầu tiên về lịch sử Đảng Cộng sản do Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày là "tinh hoa văn hóa Trung Quốc". Tuyên bố của Đảng nhấn mạnh, di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình "có ý nghĩa quyết định" đối với "sự trẻ hóa của đất nước"
Kế thừa di sản của hai cố Chủ tịch là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình, đây là "nghị quyết lịch sử" thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) kể từ khi thành lập.
Thành tựu và kinh nghiệm
Theo trang Global Times, các nhà phân tích nhận định, bản tóm tắt lịch sử của Hội nghị trung ương giống như nỗ lực đưa chặng đường 100 năm qua trở thành cuộc đua tiếp sức đồng thời đặt nền móng và tạo điều kiện cho thế hệ tiếp theo đạt được những mục tiêu mới. Và tất cả các nỗ lực đều hướng đến mục đích chung cuối cùng, giống như thông cáo đã nói: "Tìm kiếm hạnh phúc cho người dân Trung Quốc và trẻ hóa đất nước Trung Quốc là sứ mệnh".
Ông Wu Xinwen, Giáo sư và là chuyên gia về chủ nghĩa Mác tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nói trên Thời báo hoàn cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không thể đạt được các vinh quang lịch sử và thành công đáng kể như ngày nay nếu chúng ta thiếu sót bất kỳ bước nào trong 100 năm qua. Ngày nay, trong kỷ nguyên mới, Hội nghị Trung ương 6 đã đúc kết các kinh nghiệm Đảng Cộng sản Trung Quốc qua các thế hệ, có thể tiếp tục hành trình đúng hướng, vượt qua thách thức và phát hiện kịp thời tự sửa chữa.
Trong khi đó, ông Yang Xuedong – Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa nhấn mạnh, điều nổi bật nhất trong thông cáo này là tóm tắt các nhiệm vụ chính trong bốn giai đoạn lịch sử và các kinh nghiệm quan trọng tích lũy trong hơn 100 năm qua.
"So với 6 phiên họp trước, phiên họp tuần này đã tổng kết kinh nghiệm về quá trình thành công của CPC, thúc đẩy sự tự tin và kinh nghiệm. Với tình hình phức tạp trên toàn cầu, các kinh nghiệm đã trải qua vô cùng quý giá, nhấn mạnh sức mạnh, tính nhất quán và tinh thần của Trung Quốc", ông Zhang nói.
Theo AP, tuyên bố của CPC khẳng định, các thành công của Trung Quốc đã thể hiện trong quá trình phát triển của đất nước, đánh dấu thành tựu trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong thời gian dài, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện một chính sách đối ngoại quyết đoán và tăng cường phát triển quân đội. Ngân sách quân sự của Trung Quốc chỉ xếp thứ hai sau Mỹ và hiện đang thúc đẩy chương trình phát triển tàu ngầm, máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân nhằm mở rộng sức mạnh quân đội của Trung Quốc trên toàn cầu.
Về vấn đề kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược tập trung vào kinh tế thị trường đồng thời kiểm soát chặt chẽ kinh tế tư nhân và các gã khổng lồ công nghệ cao. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã dẫn đầu sáng kiến "thịnh vượng chung" nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo. Các công ty lớn đang phải chịu áp lực lớn để chia sẻ của cải cho người lao động bằng cách tăng lương và đóng góp chi phí vào hạ tầng phát triển nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Nghị quyết ngày 11/11 đã củng cố di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình trong sử sách, kêu gọi duy trì "quan điểm đúng đắn về lịch sử đảng", đồng thời cho rằng đảng đã "viết nên bản hùng ca tráng lệ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Trung Hoa"./.