Trung Quốc triển khai hàng loạt vũ khí tối tân tới khu vực tranh chấp với Ấn Độ

Súng cối tự hành là loại vũ khí mới thứ tư mà quân đội Trung Quốc (PLA) mang tới khu vực tranh chấp với Ấn Độ.

 Binh sĩ Trung Quốc lắp đặt súng cối trong một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật ở độ cao 4.700 m (Ảnh: Asia Times)

Binh sĩ Trung Quốc lắp đặt súng cối trong một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật ở độ cao 4.700 m (Ảnh: Asia Times)

Những nỗ lực nhằm mang tới giải pháp hòa bình cho tranh chấp biên giới Trung-Ấn dường như càng trở nên khó khăn hơn, sau khi Bắc Kinh công khai tăng cường quân lực tại khu vực tranh chấp bằng các hệ thống vũ khí mới.

Theo một báo cáo đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu, PLA tuyên bố triển khai các hệ thống súng cối tự hành có tốc độ bắn cao để thiết lập “các chốt di động, tấn công và di chuyển”.

Các khẩu súng cối tự hành vừa được triển khai là hệ thống vũ khí mới thứ tư mà PLA mang tới khu vực tranh chấp – trong đó có pháo Howitzer tự hành cỡ nòng 122 mm, nhiều phương tiện thiết giáp tấn công và các hệ thống phóng rocket đa nòng tầm xa. Ngoài ra, rất nhiều binh sĩ trong buổi lễ biên chế được trông thấy mang kính hồng ngoại, cho thấy PLA muốn tăng cường khả năng chiến đấu ban đêm.

Hệ thống tên lửa và rocket mới mà PLA triển khai được xác nhận là hệ thống tên lửa phòng thủ HQ-17A và hệ thống phóng rocket đa nòng tự hành PHL-11.

HQ-17A, lần đầu tiên ra mắt trong lễ diễu binh tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2019, hiện là hệ thống tên lửa phòng thủ tối tân nhất của Trung Quốc, trong khi mỗi dàn PHL-11 có thể chứa 40 trái rocket, cung cấp hỏa lực cực mạnh.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Kris Osborn làm việc cho tờ National Interest, do đường đạn hình parabol, các vũ khí dạng như súng cối có thể được sử dụng một cách hiệu quả ở khu vực núi non bởi chúng cho phép các lực lượng tấn công nhằm vào các cứ điểm của địch thủ từ vị trí cao hơn hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên, độ chính xác của vũ khí là yếu tố cực kỳ quan trọng bởi những vũ khí kiểu này sẽ cần lượng lớn đạn pháo được vận chuyển lên vùng núi cao, từ đó tạo gánh nặng cho công tác hậu cần.

“Chúng tôi rất hứng thú khi có được những vũ khí mới” – Li Jun, một binh sĩ thuộc PLA, nói với CCTV – “Chúng rất nhanh và giúp chúng tôi tiết kiệm thể lực. Đó là sự thay đổi lớn với chúng tôi”.

Hệ thống phóng rocket của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Asia Times)

Thời báo Hoàn cầu cho hay, hệ thống pháo cối tự hành được lắp đặt trên “phương tiện tấn công 4 bánh vượt địa hình”, dường như là chỉ ra khả năng mở các cuộc tấn công trên địa hình vùng cao. Điều này cho phép họ giành lợi thế chiến thuật, đặc biệt là ở khu vực cao nguyên có địa hình phức tạp như dãy Himalaya.

Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh rằng “Bộ Tư lệnh Tân Cương của PLA đang thiết lập một hệ thống chiến đấu mặt đất hiện đại, hoàn chỉnh và đặc biệt hiệu quả trong chiến đấu trên cao nguyên”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar đã cáo buộc Trung Quốc gây ra các vụ đụng độ đẫm máu hồi năm ngoái dọc dãy Himalaya và cảnh báo sẽ có hậu quả về kinh tế đối với Bắc Kinh trừ khi hòa bình được vãn hồi; theo Financial Times.

Đã hơn 1 năm kể từ sau những vụ đụng độ giữa hai nước, nhưng căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp vẫn ở mức cao. Cả hai nước vẫn duy trì hàng chục nghìn binh sĩ, số lượng lớn trang thiết bị quân sự ở khu vực Ladakh. Giới chức quân sự hai bên cũng đã tổ chức 11 vòng đàm phán về việc rút binh sĩ, nhưng kết quả thu được không là bao.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục thiết lập nhiều thiết bị công nghệ cao với quy mô lớn gần biên giới với Ấn Độ; theo Osborn.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-trien-khai-hang-loat-vu-khi-toi-tan-toi-khu-vuc-tranh-chap-voi-an-do-post146375.html