Trung Quốc triển khai một loạt vũ khí thế hệ mới

Đây là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ ba được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41.

Gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư cho tiềm lực quân sự và đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong công nghệ quốc phòng.

Theo hãng tin SCMP, nhiều vũ khí chủ chốt, thế hệ mới được cho là có thể cải thiện đáng kể năng lực của quân đội Trung Quốc sẽ được hoàn thiện và biên chế trong năm 2019, nhằm hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa quân đội.

Đó là tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A của Trung Quốc đã trải qua ba đợt thử nghiệm trên biển trong năm 2018 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.

Với một số cải tiến như nâng cấp hệ thống radar, tích hợp trung tâm chỉ huy, đặc biệt là mở rộng nhà chứa máy bay (dựa trên thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh), cho phép tàu có thể mang theo 32 tiêm kích J-15 thay vì 26 chiếc. Sau khi được biên chế, tàu sân bay nội địa này sẽ được đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc.

Trong năm 2019, hải quân Trung Quốc cũng sẽ tiếp nhận loạt tàu khu trục Type 055 đầu tiên sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm trên biển được bắt đầu từ hồi tháng 8/2018. Type 055 được thiết kế dựa trên tàu khu trục mang tên lửa Type 052D và được hải quân Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ của lớp tàu khu trục tàng hình Zumwalt Mỹ.

Với khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường này có lượng giãn nước tới 12.000 tấn, lớn hơn rất nhiều so với các tàu khu trục thông thường, vũ khí này sẽ đóng vai trò hộ tống chính trong nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Bắc Kinh.

Cuối tháng 11/2018, quân đội Trung Quốc đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa JL-3 từ một tàu ngầm Type-032 (lớp Qing) đã được cải tiến trên biển Bột Hải.

Đây là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ ba được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, dự kiến trở thành vũ khí chính của tàu ngầm chiến lược Type-096 tương lai của Trung Quốc, với tầm bắn ước tính tới 12.000 km, cho phép nó có thể vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, dù được phóng từ khu vực gần bờ biển Trung Quốc.

Đặc biệt, JL-3 có khả năng mang được 5-10 đầu đạn với sức mạnh tương đương 16 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima.

Đóng vai trò hộ tống dưới nước cho nhóm tàu tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc, 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 095 sẽ được Hải quân nước này dự kiến biên chế trong thời gian tới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Type 095 có độ ồn thấp hơn nhiều so với mẫu tiền nhiệm Type 093B nhờ sở hữu công nghệ giảm thiểu tiếng ồn tốt. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập, giúp nó có thể hoạt động trong thời gian dài dưới nước.

Được phát triển bởi Tập đoàn máy bay Thẩm Dương, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm FC-31 có kích thước nhỏ hơn tiêm kích tàng hình J-20 của Tập đoàn Thành Đô (được quân đội Trung Quốc cấp vốn đầu tư), ứng dụng nhiều cải tiến từ siêu tiêm kích F-35C của hải quân Mỹ.

Máy bay có thể mang tối đa 8 tấn vũ khí, gồm hai tấn ở khoang vũ khí giấu trong thân và 6 tấn trên các giá treo dưới cánh.

Bên cạnh đó, máy bay trinh sát và cảnh báo sớm JK-600 sẽ được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động và biên chế cho tàu sân bay sử dụng máy phóng điện từ trong tương lai của Bắc Kinh.

Quân đội Trung Quốc cũng xác nhận oanh tạc cơ chiến lược mới H-20 sẽ gia nhập biên đội máy bay chiến đấu J-20, máy bay vận tải Y-20 và trực thăng Z-20 trong chuỗi máy bay mới có số hiệu 20 thuộc không quân PLA.

Với ứng dụng thiết kế cánh bay tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ, tối ưu cho tầm bay xa và khả năng tàng hình trước radar, biến thể H-20 hoàn chỉnh có thể mang được 20 tấn vũ khí gồm bom và tên lửa hành trình với tầm bắn tới 2.000 km. Loại vũ khí này được nhận định có thể đóng vai trò sở chỉ huy trên không của không quân Trung Quốc…

TH

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trung-quoc-trien-khai-mot-loat-vu-khi-the-he-moi-58813.htm