Trung Quốc và Indonesia bắt tay trong chiến dịch 'ngoại giao vaccine'
Trung Quốc và Indonesia đã đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực thông qua 'ngoại giao vaccine'.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với đặc phái viên Indonesia Luhut Binsar Panjaitan ở Côn Minh, cho biết rằng các chương trình vaccine chung có thể đem đến một trọng tâm mới cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Jakarta.
“Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Indonesia về nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, đồng thời hỗ trợ trao đổi giữa các bộ phận và viện y tế liên quan để giúp đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine giá cả phải chăng trong khu vực và trên toàn thế giới”, ông Vương Nghị cho biết.
Bắc Kinh đã sử dụng khái niệm ngoại giao vaccine để thu hút các nước láng giềng, bao gồm việc hứa với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia khác, rằng họ sẽ là một trong những nước đầu tiên nhận vaccine COVID-19 của Trung Quốc khi những vaccine này thành công.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5 cũng khẳng định, bất kỳ loại vaccine nào được phát triển ở Trung Quốc sẽ là “hàng hóa công cộng toàn cầu”.
Trung Quốc ngày 9/10 thông báo đã đăng ký chương trình phân phối vaccine Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp tiếp cận miễn phí vaccine.
Cuộc gặp với đặc phái viên Indonesia diễn ra trước thêm chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Vương Nghị, bắt đầu ngày 12/10. Ông sẽ có chuyến thăm đến Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore.
Chuyến đi diễn ra sau khi Mỹ khởi động quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ vào tháng trước, đem đến các dự án trị giá hơn 150 triệu USD cho Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam, một động thái được cho là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Khi sự cạnh tranh hai bên ngày càng trở nên gay gắt, Bắc Kinh và Washington đều tìm cách thu hút sự ủng hộ trong khu vực.
Pang Zhongying, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế tại Đại học Ocean of China, cho biết, là một trong những nước đi đầu trong cuộc đua toàn cầu phát triển một loại vaccine hiệu quả cho COVID-19, Trung Quốc rất muốn sử dụng tốt lợi thế của mình. “Vaccine là trọng tâm của cuộc ‘đổ bộ quyến rũ’ của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Việc biến vaccine trở thành hàng hóa công cộng là điều tốt nhưng mọi sự thúc đẩy gắn với các mục đích địa chính trị nên được hạn chế”.
Chưa có vaccine của riêng mình, Indonesia đã rất muốn đảm bảo nguồn cung cấp vaccine COVID-19 từ các công ty dược phẩm trên khắp thế giới, bao gồm cả Sinovac Biotech của Trung Quốc, ứng viên đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.
Vào tháng 8, công ty này cho biết họ sẽ giúp nhà sản xuất thuốc Bio Farma thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia sản xuất ít nhất 40 triệu liều vaccine tại các cơ sở của chính mình trước tháng 3/2021.
Trong khi Trung Quốc dường như đã kiểm soát được COVID-19, căn bệnh này vẫn đang hoành hành ở một số vùng của Đông Nam Á. Bộ Y tế Indonesia đã báo cáo mức cao kỷ lục hàng ngày với 4.094 trường hợp mắc mới và 97 ca tử vong vào ngày 9/10, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên 324.658 và 11.677.