Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan - Nơi xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Tháng 7 - Tháng tri ân, là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về thăm Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan, xã Đồng Phong (Nho Quan)

Thương, bệnh binh ở Trung tâm được thăm khám sức khỏe hàng ngày.

Thương, bệnh binh ở Trung tâm được thăm khám sức khỏe hàng ngày.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan tiền thân là Trại Điều dưỡng thương binh C, được thành lập năm 1965. Trung tâm có chức năng chăm sóc, phục hồi sức khỏe và thực hiện các chế độ chính sách cho thương, bệnh binh nặng bị tâm thần và con em thương, bệnh binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng về Trung tâm, chúng tôi luôn cảm nhận được những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của những người lính ở đây. Hiện Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị cho 139 đối tượng, trong đó 71 thương, bệnh binh nặng đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hầu hết các thương, bệnh binh ở đây đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm trên 81% sức lao động, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vào sự chăm sóc giúp đỡ của các cán bộ y bác sĩ.

Với mong muốn góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, giúp các thương, bệnh binh vươn lên sống vui, sống khỏe bằng lòng yêu thương và tinh thần trách nhiệm, những cán bộ của Trung tâm luôn cố gắng làm hết khả năng, để chăm sóc và tạo điều kiện sống tốt nhất cho họ.

Là người đã gắn bó nửa đời người với Trung tâm, bác Đặng Quốc Hiển, thương binh 1/4 cho biết: "Ở Trung tâm, chúng tôi nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần. Qua nhiều thế hệ, Giám đốc, cán bộ công nhân viên trung tâm luôn coi chúng tôi như người thân của mình. Hàng ngày, đều có người đến thăm khám, động viên, những đêm trái gió, trở trời bệnh tình tái phát, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, canh trực, chăm sóc tận tình."

Mỗi bệnh nhân ở đây đều được thăm khám hàng ngày, điều trị theo phác đồ riêng. Có những bệnh nhân mang trong mình di chứng của vết thương cột sống, gây teo cơ, cụt chân hay bị mắc bệnh hoang tưởng.

Bác sĩ Phạm Thị Hoa, Trưởng khoa bệnh nhân phục hồi đã 20 năm gắn bó với công tác chăm sóc các thương, bệnh binh chia sẻ: "Tùy theo mức độ bệnh tật của mỗi người mà chia bệnh nhân ở Trung tâm thành 4 nhóm. Nhóm điều trị đặc biệt là chăm sóc hoàn toàn cho các bệnh nhân từ ăn uống tới sinh hoạt hàng ngày. Còn lại được chia thành 3 cấp độ chăm sóc.

Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những người có vấn đề về thần kinh còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Các bệnh nhân bị ảnh hưởng đến thần kinh nên rất khó tính. Tuy vậy, chúng tôi ở đây bằng tấm lòng và tâm huyết ai cũng nghĩ rằng các bác đã hy sinh cả cuộc đời nơi chiến trường, dành độc lập cho dân tộc nên đều cố gắng hết sức chăm sóc tốt cho các bác."

Qua từng năm, tuổi tác của các thương, bệnh binh ở đây ngày càng cao. Vì vậy, những bệnh nền về huyết áp, tim, gan, thận…cũng tăng theo, những đợt bệnh nặng phải lên tuyến trên điều trị, Trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh điều trị xong.

Những năm trở lại đây được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, đời sống của các thương bệnh binh nơi đây không ngừng được cải thiện, được trang bị thêm các thiết bị y tế, các thiết bị phục hồi chức năng. Tình trạng sức khỏe của các thương, bệnh binh cũng ổn định hơn trước.

Đội ngũ y, bác sĩ tận tình hướng dẫn các thương, bệnh binh tập máy phục hồi chức năng.

Bác Nguyễn Văn Đãi, thương binh hệ 1/ 4 cho biết: "Tôi đã ở đây trung tâm hơn 10 năm. Lúc đầu về, Trung tâm rất khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và nhà nước nên cơ sở vật chất và điều kiện rất tốt. Các chế độ được hưởng đúng, đủ, đội ngũ y, bác sĩ ở đây nhiệt tình chăm sóc.

"Trước đây, có nhiều đồng chí thương binh nặng có bệnh lý thần kinh có khi lên cơn hành hung cả bác sĩ nhưng với sự chăm sóc nhiệt tình, không quản ngày đêm của cán bộ nhân viên nên tình trạng của các thương binh hiện tương đối ổn định", bác Đãi chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hiện trong công tác điều trị, Trung tâm đã có những điểm sáng khi áp dụng một số thuốc điều trị theo phác đồ mới được sản xuất tại Việt Nam, giúp thể trạng phục hồi chức năng cho các thương binh, bệnh binh bị bệnh tâm thần mãn tính đã được nâng cao, số lần bệnh nhân rối loạn kích động giảm dần.

Ngoài ra, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điều kiện, cơ sở vật chất trung tâm đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều trang thiết bị phục vụ cho trung tâm đã bị xuống cấp; đặc biệt thời gian này dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều bác tuổi cao, mắc nhiều bệnh nền khiến cho công tác điều trị, phục vụ tại trung tâm gặp nhiều khó khăn, phải chuyển tuyến trên để điều trị.

Thời gian tới, mong các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tăng cường thêm cơ sở vật chất cho trung tâm, đặc biệt là các thiết bị phục vụ cho phục hồi chức năng; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chất độc da cam…để đảm bảo hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng thương bệnh binh."

Chiến tranh đã đi qua nhưng giá trị của những đóng góp và cống hiến vẫn mãi trường tồn với thời gian. Tri ân với quá khứ, có trách nhiệm với hiện tại cũng chính là đạo lý của dân tộc được cán bộ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan kế thừa để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần thể hiện sự trân trọng của lớp người đi sau với thế hệ cha anh.

Bài, ảnh: Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trung-tam-dieu-duong-thuong-binh-nho-quan-noi-xoa-diu-noi/d2021072021135286.htm