Trung tâm Y tế Nam Giang khó khăn vì thiếu thiết bị y tế

Phòng khám Đa khoa (PKĐK) khu vực Chà Vàl, trực thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) H.Nam Giang (Quảng Nam), hiện thiếu trang thiết bị, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại chỗ cho đồng bào các dân tộc thiểu số 8 xã vùng cao và biên giới của huyện. Trong khi đó, tại TTYT huyện, thiết bị y tế lại đang 'trùm mền'.

Phòng khám Đa khoa khu vực Chà Vàl được xây mới khang trang, nhưng thiếu trang thiết bị.

Phòng khám Đa khoa khu vực Chà Vàl được xây mới khang trang, nhưng thiếu trang thiết bị.

Thiếu đủ thứ

PKĐK khu vực Chà Vàl (tại thôn A Bát, xã Chà Vàl, H.Nam Giang) được bàn giao cho TTYT H.Nam Giang đưa vào sử dụng ngày 26-12-2022. Phòng khám xây dựng trên diện tích 1,2ha, được đầu tư mới khang trang, quy mô 40 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Đây là cơ sở 2 của TTYT H.Nam Giang, cách thị trấn Thạnh Mỹ 60km, cách cặp Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang - Đắk Tà Oọc (Đắc Chưng, Lào) khoảng 30km, có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số 8 xã vùng cao biên giới của huyện.

Dù đưa vào sử dụng gần 1 năm nhưng trang thiết bị ở PKĐK khu vực Chà Vàl chưa được đầu tư đồng bộ. Thiếu các thiết bị y tế chuyên dụng như siêu âm; x-quang, điện tim; máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học… đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Bác sĩ Bnướch Ngân - Trưởng PKĐK khu vực Chà Vàl cho biết: “Lâu nay thiếu trang thiết bị thì cũng đã quen rồi, cứ “nhìn, sờ, gõ, nghe” để chẩn đoán bệnh. Nhưng không có trang thiết bị thì hạn chế trong chẩn đoán những ca bệnh khó, như bệnh bên trong ổ bụng, khối u hoặc bệnh về não. Tất nhiên về lâm sàng có biểu hiện nhưng không rõ ràng bằng khám cận lâm sàng, dẫn đến việc khám chữa bệnh không hiệu quả hoặc hiệu quả không như mong đợi”.

Bên cạnh thiếu trang thiết bị, máy chuyên dụng, PKĐK khu vực Chà Vàl chưa được trang bị xe cấp cứu. Theo bác sĩ Bnướch Ngân, không có xe cấp cứu nên rất khó cho phòng khám. Khi có bệnh nhân nặng, cán bộ bác sĩ như ngồi trên lửa. Nếu chờ xe từ TTTY huyện lên thì cả đi và về mất hơn 2 giờ, như thế sức khỏe và tính mạng bệnh nhân bị ảnh hưởng. “Họp HĐND hoặc đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, lãnh đạo phòng khám đã kiến nghị nhiều lần và được trả lời là trang bị xe cấp cứu không khó nhưng khó là “nuôi” tài xế. Dù tỉnh đã hỗ trợ kinh phí vận chuyển bệnh nhân ở vùng cao, nhưng không có xe thì cũng chịu thôi. Chúng tôi mong PKĐK khu vực Chà Vàl xây dựng mới thì tỉnh sẽ sớm bổ sung trang thiết bị, máy móc thiết yếu, xe cấp cứu để đảm bảo công tác cứu chữa cho bệnh nhân” - bác sĩ Bnướch Ngân trăn trở chia sẻ.

Trong khi đó, có thiết bị lại phải nằm chờ.

Trong khi đó, có thiết bị lại phải nằm chờ.

Thiết bị nằm chờ

Ông Chrưm Thanh Vòm - Giám đốc TTYT Nam Giang cho biết, PKĐK khu vực Chà Vàl được TTYT huyện tiếp quản nhưng hiện nay vẫn chưa đảm bảo trang thiết bị cung ứng. Hiện nay, do nhu cầu nâng cấp lên nên cần đầu tư trang thiết bị tương ứng. “Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị cho PKĐK khu vực Chà Vàl thì TTYT tế H.Nam Giang và phòng khám mới có điều kiện phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng và sử dụng các kỹ thuật cao. Từ đó, người dân và đồng bào các dân tộc thiểu số ở 8 xã vùng cao, vùng biên giới tiếp cận các chính sách và dịch vụ khám chữa bệnh tại chỗ tốt hơn so với trước. Đây là khu vực xa trung tâm huyện, có lưu lượng dân và khách vãng lai khoảng 13.000 người, chiếm gần nửa dân số H.Nam Giang” - ông Chrưm Thanh Vòm nói.

Thiếu thiết bị đã khó nhưng có thiết bị mà không thể đưa vào sử dụng thì… trớ trêu. Ông Chrưm Thanh Vòm cho biết, máy nội soi tiêu hóa đi cùng thiết bị mổ nội soi tại TTYT H.Nam Giang trị giá gần 2 tỷ đồng, mua đã gần nửa năm nhưng chưa thể sử dụng. Từ tháng 6-2023, Trung tâm đã gửi hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) để đưa vào vận hành, BHYT tế tỉnh chấp thuận và gửi thông tin lên cổng BHYT Trung ương, nhưng không thấy chấp nhận. Theo ông Chrưm Thanh Vòm, ở miền núi, vùng cao biên giới Nam Giang đa phần bà con bị bệnh dạ dày, đại tràng. Đưa máy nội soi tiêu hóa đi cùng thiết bị mổ nội soi vào sử dụng sẽ thuận lợi trong khám chữa bệnh, không phải chuyển tuyến; y bác sĩ có điều kiện nâng cao tay nghề; giảm tải cho tuyến trên; cũng là thêm dịch vụ kỹ thuật khám cao, đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Nhưng hiện nay vẫn chưa biết bao giờ được giải quyết để đưa vào sử dụng.

Thạch Hà

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/trung-tam-y-te-nam-giang-kho-khan-vi-thieu-thiet-bi-y-te-post285280.html