Trước khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, 'sức khỏe' Thuận Thảo ra sao?

Cổ phiếu GTT của Công ty CP Thuận Thảo, doanh nghiệp gắn liền với nữ doanh nhân Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là 'Bông hồng vàng' trong giới kinh doanh Phú Yên, là 1 trong 29 mã chứng khoán bị đình chỉ giao dịch mới đây.

Theo thông báo mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cổ phiếu GTT của Công ty CP Thuận Thảo chính thức bị đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12/2023 do chưa công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GTT từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) với giá tham chiếu 20.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2010 (đây cũng là năm đỉnh cao lợi nhuận của Thuận Thảo). Cổ phiếu GTT sau đó giảm mạnh trước khi bị bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ kéo dài, phải chuyển xuống giao dịch tại UpCOM vào năm 2016.

Trước khi bị cơ quan quản lý đình chỉ giao dịch, mỗi cổ phiếu GTT chỉ có giá 300 đồng/cp và thường xuyên rơi vào tình trạng không có thanh khoản.

Trước khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, "sức khỏe" Thuận Thảo ra sao? (ảnh minh họa: Khách sạn 5 sao CenDeluxe, nguồn: Internet).

Trước khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, "sức khỏe" Thuận Thảo ra sao? (ảnh minh họa: Khách sạn 5 sao CenDeluxe, nguồn: Internet).

"Bức tranh" tài chính Thuận Thảo thế nào?

Tìm hiểu được biết, Công ty CP Thuận Thảo được chuyển đổi từ Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Thuận Thảo, có trụ sở chính tại số 3 đường Hải Dương, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuận Thảo, là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng. Bà từng được tôn vinh vì nỗ lực vượt qua phận nghèo, xây dựng Thuận Thảo thành công ty nghìn tỷ. Với những thành tích đạt được, bà Thanh được vinh danh là “Bông hồng vàng”.

Thuận Thảo từng có tiếng trong lĩnh vực vận tải thị trường phía Nam. Đây từng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên từng sở hữu khách sạn 5 sao, siêu thị tư nhân... tại Phú Yên và là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên sở hữu bến xe khách của cả nước. Tuy nhiên, việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản đã khiến Thuận Thảo rơi vào khó khăn.

Giai đoạn 2008 - 2013, Thuận Thảo liên tục mở rộng đầu tư lĩnh vực bất động sản với hàng loạt dự án như khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai... Thời gian đó, Khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, CenDeluxe Hotel được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của Thuận Thảo trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.

Không chỉ thực hiện các dự án bất động sản tại quê nhà, “bông hồng vàng” Phú Yên – Võ Thị Thanh còn tham vọng mở rộng ra các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng...

Tại TPHCM, Thuận Thảo thành lập Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh. Sau khi thành lập, công ty được UBND TPHCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn. Tuy nhiên, du lịch Phú Yên chưa thực sự phát triển cùng với thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã khiến doanh nghiệp của nữ đại gia rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.

Từ năm 2017, hoạt động kinh doanh của Thuận Thảo thường xuyên rơi vào thua lỗ. Theo tờ Tài chính và Cuộc sống, năm 2019, con số nợ phải trả của Thuận Thảo đã cán mốc 1.702 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu âm 989 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2020, doanh thu thuần của Thuận Thảo chỉ đạt gần 6,1 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế lên tới hơn 86 tỷ đồng. Chính con số lỗ này đã kéo mức lỗ lũy kế đến cuối quý III/2020 của Thuận Thảo vượt lên 1.522 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ là hơn 435 tỷ đồng, dẫn tới khoản âm vốn chủ sở hữu hơn 1.075 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng tài sản của Thuận Thảo tại ngày 30/9/2020 đã suy giảm hơn 42 tỷ đồng so với đầu năm, xuống mức 671 tỷ đồng.

Cùng đó, tại thời điểm 30/9/2020, Thuận Thảo cũng ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 1.746 tỷ đồng, trong đó chiếm 97% là nợ ngắn hạn với hơn 1.687 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ đạt vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng…

Theo tờ Nhịp sống thị trường, hiện Thuận Thảo đang phải gồng mình gánh khối tài sản bất động sản xuống cấp trầm trọng nhưng không có nguồn vốn đầu tư nâng cấp. Theo đó, toàn bộ chuỗi bất động sản ở Phú Yên của công ty đều bị kê biên, phát mãi để trả nợ.

Điển hình, khách sạn 5 sao Cendeluxe (TP Tuy Hòa) bị kê biên, phát mãi từ định giá ban đầu gần 500 tỷ đồng, sau 18 lần giảm giá còn hơn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Hay khu Resort Thuận Thảo được bán với giá 42 tỷ đồng sau 5 lần tổ chức bán đấu giá và 4 lần giảm giá. Khu mở rộng Trung tâm Hội nghị - triển lãm - dịch vụ du lịch Thuận Thảo cũng vừa bán được gần 31 tỷ đồng sau 15 lần tổ chức bán đấu giá…

Liên Hà Thái (t/h)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/truoc-khi-co-phieu-bi-dinh-chi-giao-dich-suc-khoe-thuan-thao-ra-sao-1934491.html