Trường chuyên khó tuyển giáo viên chất lượng cao

ĐBP - Là cơ sở giáo dục có chất lượng hàng đầu tỉnh nhà, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đòi hỏi một đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết. Thế nhưng nhiều năm liền, một số bộ môn vẫn thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên chất lượng cao. Vì thế công tác giáo dục mũi nhọn bồi dưỡng học sinh chuyên, học sinh giỏi cũng gặp không ít khó khăn.

Giờ học môn Tiếng Anh của cô giáo Dương Thị Hương và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Chất lượng giáo dục được nâng lên, nhân tài được bồi dưỡng thì nguyên khí thịnh, đất nước mạnh. Bởi vậy việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) gắn với trường chuyên là công tác mà các địa phương trong cả nước đều quan tâm. Trong đó có vai trò quan trọng của cán bộ giáo viên dạy chuyên. Họ phải là những người có năng lực chuyên môn cao. Để có được đội ngũ này, không chỉ cần những đãi ngộ, thu hút mà còn cần có chính sách tuyển dụng công khai và hợp lý, thậm chí tại nhiều tỉnh còn có cơ chế đặc biệt “trải thảm” mời về. Còn tại tỉnh ta, công tác tuyển giáo viên cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng được ưu ái với cách làm: Nhà trường chủ động lựa chọn và đề xuất những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi trong tỉnh hoặc học sinh tốt nghiệp xuất sắc ra trường sau khi được tỉnh tuyển dụng để về dạy thử. Khi đảm bảo yêu cầu đề ra thì có thể về công tác tại trường. Tuy nhiên nguồn tuyển này không nhiều và có những giáo viên giỏi không có nguyện vọng về trường chuyên, bởi cường độ và áp lực công việc cao, chế độ chưa tương xứng.

Bà Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Thời gian qua, nguồn tuyển giáo viên có chuyên môn cao thực sự khó khăn, đặc biệt đối với môn tiếng Anh và tiếng Trung. Suốt quá trình thành lập đến giờ thì Trường vẫn thiếu giáo viên các môn này nên cường độ làm việc của thầy cô trong tổ bộ môn rất lớn. Sở đã tạo điều kiện tăng cường một số giáo viên cho các bộ môn còn thiếu của trường. Có giáo viên năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu dạy lớp chuyên nhưng khi nhà trường gặp gỡ, trao đổi, động viên ở lại trường công tác thì bạn ấy từ chối, chưa có nguyện vọng”.

Được biết, hiện Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thiếu 6 biên chế tính theo đầu lớp, thuộc các môn: Toán học, Tiếng Anh, Tiếng Trung. Năm học 2021 - 2022, trường có tổng số 92 giáo viên, nhân viên, người lao động. Trong đó: Ban Giám hiệu 3 người; 74 giáo viên; 15 nhân viên, người lao động. 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn; 60% là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 11 nhà giáo ưu tú. Với lực lượng ấy, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, đóng góp vào sự nghiệp trồng người. Hàng năm tỷ lệ tốt nghiệp 100%, đỗ đại học đạt trên 98%, trên 85% học sinh đi thi HSG tỉnh có giải và là nguồn đội tuyển HSG quốc gia chủ chốt của tỉnh. Đây cũng là một trong những công tác mũi nhọn của nhà trường, nhưng tình trạng thiếu giáo viên tác động không nhỏ đến kết quả thực hiện. Bà Bùi Thị Anh chia sẻ thêm: “Tỷ lệ học sinh đạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia 2 năm gần đây không ổn định, không cao, cũng bởi một phần nguyên do không tuyển được giáo viên mới có năng lực đáp ứng yêu cầu dạy chương trình chuyên và ôn luyện HSG quốc gia. Đặc biệt không có chế độ đặc thù để tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ các lớp cử nhân tài năng tại các trường đại học để kế cận những giáo viên lớn tuổi. Và cũng bởi thiếu biên chế theo định mức, cường độ làm việc của giáo viên rất lớn nên không có thời gian đầu tư chuyên sâu, ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc”.

Điều này được minh chứng rõ ràng qua Tổ Ngoại ngữ. Tổ có 8 giáo viên môn Tiếng Anh, trong đó 1 giáo viên đang theo học thạc sĩ tại Vương quốc Anh do tình hình dịch bệnh chưa thể về trường công tác; 3 giáo viên môn Tiếng Trung, trong đó 1 giáo viên đang nghỉ thai sản. Do vậy 3 năm liền, tỉnh không thành lập đội tuyển dự thi HSG quốc gia môn Tiếng Anh (năm học này mới tái lập). Năm học 2021 - 2022, Trường không tuyển học sinh lớp chuyên Tiếng Trung.

Cô giáo Nguyễn Hạnh Tuyết, Tổ trường Tổ Ngoại ngữ cho biết: “Trong những năm vừa qua, do đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tiếng Trung còn thiếu, nên giáo viên trong Tổ thường xuyên phải dạy số lượng tiết dày đặc, tăng giờ khá nhiều. Có người tăng giờ trong 1 năm vượt quá 200 tiết, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đảm nhiệm công tác dạy lớp chuyên, đảm nhiệm công tác kiêm nhiệm. Đối với trường chuyên, ngoài nhiệm vụ chương trình THPT, chúng tôi còn đảm nhiệm bồi dưỡng HSG quốc gia. Nhưng do thiếu giáo viên nên Sở cho dừng thành lập đội tuyển HSG quốc gia môn Tiếng Anh để củng cố đội ngũ. Tuy nhiên đến nay, đội ngũ giáo viên vẫn vậy, không tuyển dụng được thêm. Dù vậy các giáo viên trong tổ đều rất nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Giáo viên môn Tiếng Anh Dương Thị Hương cũng chia sẻ: “Bản thân tôi và các giáo viên trong tổ hầu như không có buổi chiều nào được ở nhà, thường xuyên dạy phụ đạo cho các lớp không chuyên, dạy nâng cao và ôn thi đại học cho các lớp chuyên và học sinh có nhu cầu... Buổi tối cũng lên lớp cho học sinh ôn thi đại học. Vì vậy không có thời gian để đầu tư nhiều cho đội tuyển HSG quốc gia. Chúng tôi mong muốn ngành tạo điều kiện cho nhà trường có thể tuyển thêm những giáo viên thực sự chất lượng để chia sẻ, gánh vác trong những năm tới”.

Đáp ứng yêu cầu công việc, các giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đều đã và đang tự học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, đào sâu chuyên môn. Tuy nhiên với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tỉnh nhà, việc tăng cường cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm và năng lực tham gia giảng dạy học sinh năng khiếu, bồi dưỡng đội tuyển HSG quốc gia về giảng dạy tại trường chuyên là vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, có lẽ cần cơ chế mở, cùng chính sách thu hút phù hợp cho những giáo viên giỏi, giáo viên trẻ xuất sắc đến và dừng chân lại trường chuyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/192873/truong-chuyen-kho-tuyen-giao-vien-chat-luong-cao