Trường đại học được tự chủ, giảm 'can thiệp sâu' của cơ quan chủ quản

Sắp tới, các trường đại học hoạt động theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, qua đó giảm bớt quản lý, can thiệp của các bộ chủ quản như trước đây.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2020 và áp dụng đối với trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.

Đáng chú ý, Nghị định có nêu cụ thể về các vấn đề tự chủ; chuyển trường đại học thành đại học, điều kiện như sau: Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; Có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập...

Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, những năm gần đây đặc biệt năm 2019 giáo dục đại học có nhiều khởi sắc trên nền tảng của tự chủ đại học mặc dù trong bối cảnh đầu tư có hạn, còn nhiều khó khăn nhưng đã đạt được kết quả tích cực.

Các trường đại học sẽ thành lập Hội đồng trường và tăng quyền tự chủ hoạt động.

Các trường đại học sẽ thành lập Hội đồng trường và tăng quyền tự chủ hoạt động.

Để triển khai Luật và Nghị định 99, một số nhóm vấn đề quan trọng cần được thống nhất thực hiện. Một là cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường đại học trong đại học, điều kiện để từ trường đại học sang đại học… Hai là, liên quan đến thiết chế đó là Hội đồng trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nhiều Hội đồng trường chưa thực quyền nhưng khi luật hóa như hiện nay thì không thể còn tình trạng này. Cơ quan chủ quản tránh tình trạng can thiệp hành chính vào Hội đồng trường vì tính tự chủ, trách nhiệm giải trình đã được quy định rất rõ.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, với các cơ quan chủ quản, trước đây nặng về tính hành chính, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác… Nhưng nay, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ ngành, hay địa phương phải thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99. Vì vậy, các cơ quan chủ quản phải chủ động, minh bạch, sòng phẳng, trách nhiệm đến đâu thực hiện đúng đến đó.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, Nghị định 99 quy định rằng tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa rằng từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập hội đồng trường phải xong.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản khác liên quan theo tinh thần không phát sinh các thủ tục hành chính và bám sát vào tinh thần tự chủ đại học, đồng thời chú trọng đến các đối tượng chịu tác động là các cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để sớm trình Chính phủ ban hành.

"Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chủ quản và luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta cùng nhau từng bước, khẩn trương, làm tới đâu chắc tới đó, thì sẽ có một lộ trình tốt để thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng đại học" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-duoc-tu-chu-giam-can-thiep-sau-cua-co-quan-chu-quan-20200107153336965.htm