Trường đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi tự chủ

Tăng quyền tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục đại học là những bước tiến quan trọng được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ. Đó cũng là những nội dung được xoay quanh bàn luận tại buổi giao lưu trực tuyến 'Tự chủ Đại học: Bước tiến quan trọng', do Báo Giáo dục và Thời đại (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức ngày 30-10.

Tại buổi giao lưu, các khách mời tập trung chia sẻ về các quy định tập trung 4 nhóm nội dung lớn gồm: Mở rộng phạm vi tự chủ; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước. Ngoài ra, một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật số 34 là quy định về Hội đồng trường theo hướng thực quyền.

Đây được coi là bước tiến mới trong tự chủ đại học. Theo đó, việc hoàn thiện hệ thống văn bản là yêu cầu bắt buộc, đồng thời là việc quan trọng để đổi mới quản trị, thực hiện tự chủ mạnh mẽ trong nhà trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số trường còn lúng túng trong triển khai nên kết quả chưa được như mong muốn.

 Các khách mời tham dự buổi giao lưu.

Các khách mời tham dự buổi giao lưu.

Chia sẻ về thành quả bước đầu và những triển vọng tự chủ đại học ở Việt Nam, Luật gia Nguyễn Huy Bằng, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hầu hết các trường đã hình thành Hội đồng trường theo tinh thần mới của Luật. Bước đầu triển khai đổi mới quản trị nhà trường, tách chức năng Hội đồng trường với chức năng của Hiệu trưởng. Nhiều trường đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, tập trung xây dựng hệ thống văn bản nội bộ theo yêu cầu của Luật, như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Nha Trang... Khối các trường tư thục cũng có chuyển động tốt như: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Duy Tân...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Bằng cũng cho rằng thực tiễn cho thấy còn không ít khó khăn cần phải nhìn thẳng vào để tiếp tục đổi mới, tăng cường tự chủ quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Đó là nhận thức, tâm lý, thói quen quản lý kiểu cũ còn khá nặng nề cả từ một số lãnh đạo trường cho đến cán bộ, nhân viên. Hệ thống văn bản tác động vào các trường ĐH còn thiếu đồng bộ, Nghị định về tự chủ chưa được ban hành. Mô hình mới, cách làm mới đòi hỏi sự sáng tạo nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, có thể làm nhiều cơ sở GD đại học băn khoăn.

Nếu các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục quan tâm sát sao, tạo điều kiện cho một số cơ sở thí điểm làm những việc chưa có tiền lệ nhưng đã chứng tỏ hiệu quả xã hội tiếp tục triển khai; lãnh đạo các trường dũng cảm đổi mới tư duy, có kế hoạch đổi mới cụ thể, phù hợp để huy động toàn trường vào cuộc thì chắc chắn Luật GD đại học sẽ đi vào cuộc sống, tự chủ của các trường sẽ phát triển, chất lượng GD đại học sẽ được nâng cao.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của Trường ĐH Kinh tế quốc dân khi thực hiện tự chủ, TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: Đầu tiên là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vì khi thực hiện đề án tự chủ nghĩa là mang đến rất nhiều sự thay đổi, không chỉ với xã hội, người học mà ngay cả với bản thân cán bộ, giảng viên trong trường.

Cùng với đó, lãnh đạo nhà trường cũng cần phải có những cam kết cụ thể theo từng mốc thời gian để gây dựng lòng tin với xã hội và cán bộ, giảng viên nhà trường. Ví dụ: Đối với người học, cần hướng tới tỷ lệ sinh viên có việc làm cao và thu nhập tốt sau khi ra trường. Đối với giảng viên, cần có những chính sách tạo động lực, cam kết về các quyền lợi và mức thu nhập hằng năm. Bài học tiếp theo chính là việc đa dạng hóa các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh...

Lý giải về việc dù quy định về tự chủ đại học có nhiều ưu việt, nhưng đến nay vẫn có trường chưa mạnh dạn thực hiện quyền này, các khách mời cho rằng, với một số trường, lý do chủ yếu các trường chưa muốn thực hiện tự chủ, từ đó phải tự bảo đảm kinh phí hoạt động trong khi còn đang gặp những khó khăn nhất định trong việc thu hút người học.

Như vậy, để thúc đẩy các trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ, Nhà nước cũng như các cơ quan chủ quản của các trường này cần xây dựng các chính sách, đề án để hỗ trợ các trường trong những năm đầu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ nguồn nhân lực, từ đó trở thành 1 trường đại học có uy tín, thu hút được người học.

KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/truong-dai-hoc-se-co-co-hoi-phat-trien-manh-me-khi-tu-chu-642498