Trường Đại học Tân Trào - Nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng

Trong thời gian qua, trường Đại học Tân Trào đã có nhiều đổi mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế để phục vụ cộng đồng. Sinh viên học tập tại nhà trường đã được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng. Đó là những điều kiện thuận lợi để nhà trường hướng tới mục tiêu phát triển theo sứ mạng, tầm nhìn đã công bố và Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến 2030. Nhân dịp trường kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng nhà trường. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Quang cảnh trường Đại học Tân Trào.

Quang cảnh trường Đại học Tân Trào.

Phóng viên: Đề nghị PGS.TS đánh giá về chặng đường phát triển và những kết quả nổi bật của nhà trường đã đạt được trong thời gian qua?

PGS. TS Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào.

PGS. TS Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào.

PGS. TS Nguyễn Bá Đức: Trường Đại học Tân Trào tiền thân là trường Sơ cấp Sư phạm Tuyên Quang được thành lập năm 1959. Trên cơ sở sáp nhập nhiều trường trên địa bàn, đến năm 1999 trường được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, đến năm 2011 trường đổi tên thành trường Cao đẳng Tuyên Quang để đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tạo tiền đề thành lập trường Đại học Tân Trào. Đến ngày 14/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1404 chính thức thành lập trường Đại học Tân Trào nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh Tuyên Quang, khu vực miền núi phía Bắc.

Trải qua 60 năm hình thành và phát triển với những những mốc son đáng nhớ, trường Đại học Tân Trào đã trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh và khu vực. Từ mái trường có bề dày lịch sử đã có hàng vạn cán bộ, quản lý, giáo viên được đào tạo phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong cả nước. Đặc biệt, từ khi được nâng cấp thành lập trường Đại học Tân Trào (năm 2013) đến nay, nhà trường đã có nhiều nỗ lực nhằm hội nhập và phát triển. Từ một trường cao đẳng chỉ thực hiện công tác đào tạo và chủ yếu là ngành sư phạm, đến nay, nhà trường đã đào tạo đa ngành nghề với 34 mã ngành đào tạo, trong đó có 15 ngành đại học, 19 ngành cao đẳng, liên kết đào tạo nhiều ngành thạc sỹ, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ và nhiều chứng chỉ khác theo quy định của Luật Viên chức và Luật Giáo dục, Giáo dục Đại học…; hàng năm đào tạo, bồi dưỡng trên 10.000 sinh viên, học viên.

Lãnh đạo trường Đại học Tân Trào và lãnh đạo Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Luông Pha Băng (Lào)ký biên bản hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trường Đại học Tân Trào đặc biệt quan tâm, khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên để đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên đạt trình độ thạc sỹ trở lên trực tiếp giảng dạy trong tất cả các lĩnh vực đạt 100% từ thạc sỹ, trong đó có gần 20% Phó Giáo sư, Tiến sỹ. Trung bình hàng năm cán bộ, giảng viên của nhà trường nghiên cứu và triển khai thực hiện hàng trăm sản phẩm khoa học công nghệ, xuất bản nhiều giáo trình, công bố nhiều bài báo có chất lượng trên các tạp chí quốc tế có uy tín xếp trong danh mục ISI, Scopus và các tạp chí khác có uy tín trong nước và trên thế giới tạo nguồn tư liệu quý cho việc dạy học. Trường đã nghiên cứu thành công và chuyển giao một số sản phẩm khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp công nghệ cao. Tạp chí khoa học Đại học Tân Trào đã có mã số quốc tế và được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tính 0,5 điểm khi xét công trình khoa học.

Trong thời gian qua, trường Đại học Tân Trào đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với gần 30 trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức của thế giới ở các nước thuộc khối ASEAN như: Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaisia, Lào, Indonesia, các nước ở Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ở Châu Âu như Nga, Belarus, Ba Lan và Hoa Kỳ về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, xuất bản, trao đổi giảng viên, sinh viên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực… Từ đó tạo cho sinh viên có cơ hội được trải nghiệm, tiếp cận với môi trường học tập chuyên nghiệp, nhiều sinh viên ra trường rất tự tin và tăng cơ hội kiếm được việc làm sau khi ra trường. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trung bình đạt trên 70%, có nhiều ngành đạt tỷ lệ 100% như quản lý đất đai, vật lý - môi trường, khoa học môi trường, văn - truyền thông, kế toán, quản trị du lịch và lữ hành… Đây là kết quả đáng mừng để trong thời gian tới nhà trường tiếp tục lựa chọn, mở rộng các ngành nghề đào tạo đáp ứng với nhu cầu của xã hội.

Giờ thực hành môn Vật lý tại trường Đại học Tân Trào.

Giờ thực hành môn Vật lý tại trường Đại học Tân Trào.

Với những kết quả đạt được về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục vụ cộng đồng cũng như hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo, hoạt động quản lý, quản trị đại học có hiệu quả, trường Đại học Tân Trào được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (một cơ quan Kiểm định độc lập) quyết định công nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt, nhà trường là 1 trong 121 trường đại học trong cả nước được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn (trong tổng số 133 trường đã được khảo sát chính thức), kết quả đánh giá đạt 93,69% là số điểm cao nhất trong hệ thống các trường đại học đã được kiểm định tính cho đến nay và là 1 trong 10 trường được công nhận đạt chuẩn trong 22 trường được khảo sát, đánh giá chuẩn theo Bộ tiêu chí mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ năm 2019, tương đương với Bộ chuẩn Kiểm định chất lượng mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Đây là yếu tố quan trọng ghi nhận chất lượng của hoạt động quản lý, quản trị đại học cũng như chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường Đại học Tân Trào, là điều kiện cần thiết để nhà trường tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu xây dựng trường trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có chất lượng cao, làm thay đổi cuộc sống và phục vụ cộng đồng trong giai đoạn tiếp theo.

Trường Đại học Tân Trào có thư viện hiện đại với hơn 5.000 đầu sách các loại(Sinh viên trường Đại học Tân Trào đọc sách trên thư viện nhà trường).

Phóng viên: PGS.TS cho biết những giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh và khu vực, đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ?

PGS. TS Nguyễn Bá Đức: Công tác giáo dục và đào tạo giai đoạn hiện nay đang đặt ra với nhiều thách thức và cơ hội. Để tồn tại và phát triển thì việc đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn. Chính vì thế nhà trường đã xây dựng Đề án chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường các giải pháp tuyển sinh; nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và đa dạng của xã hội; mở rộng quy mô đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp…

Nhà trường xác định lĩnh vực đào tạo mũi nhọn là các ngành thuộc khối nông lâm nghiệp, y - dược, khoa học giáo dục, văn hóa - du lịch, kinh tế - quản trị kinh doanh. Đồng thời mở rộng quy mô, lĩnh vực nghiên cứu; ưu tiên các hướng nghiên cứu chiến lược, mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học; tăng cường hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn của giảng viên và học viên nhà trường.

Trường Đại học Tân Trào thường xuyên tổ chức các hoạt động vì cộng đồng. (Trại hè năm 2019do nhà trường tổ chức với chủ đề “Tự lập để trưởng thành” với nhiều hoạt động bổ ích thu hútđông đảo học sinh, trẻ em trên địa bàn tỉnh tham gia rèn luyện, học tập).

Đối với công tác hội nhập quốc tế, trường tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng hạng đại học, nâng cao chất lượng quản trị đại học, xây dựng đội ngũ của trường; nâng cao vị thế của trường đối với xã hội và thu hút nguồn lực xã hội để phát triển nhà trường; xác định và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng của trường làm nền tảng, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhà trường. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên. Nhà trường luôn ưu tiên tuyển dụng và hợp đồng với giảng viên có trình độ cao, được đào tạo cơ bản, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học và tốt nghiệp ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy tại nhà trường.

Trong thời gian tới việc đầu tư cơ sở vật chất sẽ được thực hiện theo hướng tập trung, hiệu quả, đặc biệt là các khu vực thực hành, sản xuất vừa là khu trải nghiệm cho học sinh phổ thông các cấp và cho sinh viên thực hành đồng thời có cung cấp sản phẩm, dịch vụ khoa học cho các đơn vị và cá nhân trong và ngoài tỉnh. Phát triển trường Phổ thông Tuyên Quang theo lộ trình là một trường chất lượng cao bền vững, điều chỉnh Chiến lược phát triển để đầu tư phát triển Khối ngành Y - Dược và nâng cấp Phòng khám Đa khoa trực thuộc trường thành bệnh viện thực hành. Từ đó giúp nhà trường phát triển nguồn tài chính để tăng cường đầu tư cho hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng lộ trình phát triển của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS.

Thực hiện: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/truong-dai-hoc-tan-trao-noi-dao-tao-nguon-nhan-luc-co-chat-luong-125233.html