Trường đại học thành đại học đa ngành: Không thể 'trăm hoa đua nở'
Định hướng xây dựng trường đại học (ĐH) trở thành ĐH đa ngành sẽ giúp cơ sở đào tạo lớn mạnh hơn cũng như vươn tới đẳng cấp cao hơn.
Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay nhưng không thể “trăm hoa đua nở” mà phải dựa trên các nguồn lực.
Nhiều trường đại học có kế hoạch trở thành đại học
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang hướng tới thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực khi thực hiện tự chủ toàn diện. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành ĐH đa ngành với 6 trường ĐH thành viên: Điện - điện tử; Cơ khí; Hóa học - sinh học - thực phẩm - môi trường; Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin - Toán tin; Vật lý - khoa học vật liệu.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, khi trường ĐH trở thành ĐH đa ngành không chỉ khắc phục được những bất cập trong mô hình tổ chức mà còn có vị thế cao hơn, quyền tự chủ cao hơn trong nhiều lĩnh vực. ĐH đa lĩnh vực có các trường thành viên đồng nghĩa với giảm số đầu mối, trung gian và khắc phục được những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn giữa các trường ĐH và ban chức năng.
Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, trường ĐH Kinh tế quốc dân có định hướng trở thành ĐH đa ngành với ít nhất 3 thành viên là trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Kinh doanh và trường Khoa học công nghệ. PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân thông tin, trường đã đào tạo đa ngành từ trước khi thực hiện tự chủ. Với việc được hưởng cơ chế tự chủ toàn diện đã tạo điều kiện để nhà trường bứt phá mở ngành và chương trình đào tạo. Cùng với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân, một số trường ĐH khác như trường ĐH Y Hà Nội, trường ĐH Thương mại, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông... cũng xây dựng phát triển thành trường ĐH đa ngành.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho hay: Học viện đang làm đề án thành ĐH có các trường ĐH như Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Cơ sở Học viện tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng việc này phải từ từ, ngoài phần cứng (quy mô người học, số ngành đào tạo...) thì phải chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, nguồn lực, phương tiện, quản lý, năng lực quản lý... chứ không thể lên ngay thành ĐH được.
Phải có nhiều ngành chuyên sâu
Chủ trương xây dựng trường ĐH đa lĩnh vực ở nước ta có từ những năm 90 của thế kỷ 20 nhằm phục vụ cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong 2 năm (1991 và 1993) đã có 5 ĐH đa lĩnh vực lần lượt được thành lập (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng), dựa trên nguyên tắc gom một số trường ĐH chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết: Xu hướng ĐH đa lĩnh vực sẽ giúp cho chất lượng đào tạo được nâng lên, sinh viên được học các thầy bộ môn giỏi nhất. Các trường trong ĐH đa lĩnh vực, không chỉ đào tạo đơn môn mà còn có những chương trình liên môn rất "hot", dễ kiếm việc làm. Theo ông Lê Viết Khuyến, ĐH đa lĩnh vực có sự tồn tại mãnh liệt, phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, khi sinh viên học tại một trường ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội, sau năm thứ nhất, nếu đáp ứng các điều kiện được tạo điều kiện học thêm một ngành của trường thành viên khác. Các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đào tạo liên ngành nên rất thuận lợi cho người học thích ứng với chuyển đổi công việc sau khi ra trường...
Với những lợi thế của ĐH đa ngành, không ít trường ĐH khác có mong muốn nâng cấp lên ĐH đa ngành bằng việc mở thêm các ngành đào tạo. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, chỉ khi trường ĐH lớn mạnh, có tiềm lực, đào tạo đa ngành, đáp ứng đủ những quy định trong luật mới có thể nâng cấp lên thành ĐH, chứ không phải “trăm hoa đua nở”. Hay nói cách khác, trường ĐH phải có nhiều ngành nghề, đào tạo có tính chất chuyên sâu cao thì mới có thể trở thành ĐH.
Đã từng dành nhiều thời gian nghiên cứu và theo dõi sự phát triển các ĐH đa ngành, TS Lê Viết Khuyến cho rằng: Nét nổi trội của ĐH đa ngành là bao quát được nhiều lĩnh vực khác nhau nên huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết những nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường ĐH chuyên ngành không thể đảm đương. Và để ĐH đa lĩnh vực trở thành “quả đấm thép” của giáo dục ĐH Việt Nam, bên cạnh cách quản lý tốt, rất cần Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để chúng phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.
Cùng với việc trao quyền tự chủ cho các ĐH đa lĩnh vực nói riêng và trường ĐH nói chung, TS Lê Viết Khuyến kiến nghị xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ để các trường ĐH thành viên xóa đi được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó khăn cho hoạt động của họ.