Trường học ở Sa Pa nỗ lực phòng, chống tảo hôn

Sau tết Nguyên đán hằng năm, các trường ở vùng cao thị xã Sa Pa thường đối diện với nỗi lo về tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc học sinh hay bỏ học sau Tết là do tảo hôn.

Ngày 7/2/2022 là ngày đầu tiên các trường tổ chức tái giảng sau kỳ nghỉ Tết. Với em Hạng Thị Tùng, lớp 8A2, Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình, xã Ngũ Chỉ Sơn, thì được đến trường học là niềm vui và hạnh phúc. Em Hạng Thị Tùng kể: Ngày 5/2/2022, em và bạn nữ đi chơi ở chợ Sa Pa, đến 10 giờ thì bất ngờ bị một nam thanh niên người Mông cùng 7 người khác đến kéo tay, bắt lên xe máy chở về một căn nhà ở phường Hàm Rồng. Em không biết người đó là ai, nhưng biết rằng mình đang bị bắt về làm vợ. Thật may hôm đó gia đình và các thầy, cô giáo đã đến đón em về nhà.

Giáo viên phối hợp với chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đến thôn, bản tuyên truyền, ngăn chặn học sinh tảo hôn.

Giáo viên phối hợp với chính quyền xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đến thôn, bản tuyên truyền, ngăn chặn học sinh tảo hôn.

Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Nam, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình cho biết: Sau dịp tết Nguyên đán, không chỉ em Tùng mà nhiều học sinh nữ lớp 8, lớp 9 có thể trở thành nạn nhân của tảo hôn. Năm học trước, trường cũng có 4 học sinh bỏ học vì tảo hôn. Từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, nhà trường đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương can thiệp, ngăn chặn 4 vụ tảo hôn, đưa 4 học sinh nữ trở về trường tiếp tục đi học. Tuy nhiên, ngay trong buổi học đầu tiên sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, vẫn có 1 học sinh tảo hôn.

Thực tế cho thấy, câu chuyện tại Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình cũng diễn ra tại không ít trường vùng cao khác trên địa bàn thị xã Sa Pa. Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Sau Tết, do ảnh hưởng của tảo hôn nên một số xã có tỷ lệ học sinh THCS đi học chuyên cần dưới 90%, như các xã Trung Chải, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van… Phòng đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức học sinh, phụ huynh về tác hại của tảo hôn; tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn học sinh tới trường; kịp thời phát hiện, can thiệp sớm khi học sinh có dấu hiệu tảo hôn. Đặc biệt, các trường cần phối hợp tốt với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thông báo và xử lý các vụ tảo hôn liên quan tới học sinh. Về phía cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cần có các biện pháp xử lý mạnh hơn nữa các vụ tảo hôn để mang tính răn đe, giáo dục. Chỉ khi chính quyền tích cực vào cuộc, các xã, phường phối hợp tốt với nhau và với ngành giáo dục thì câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Sa Pa mới có lời giải.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353491-truong-hoc-o-sa-pa-no-luc-phong-chong-tao-hon