Trường học xuất hiện F0, có thể chỉ cần phong tỏa ở phạm vi hẹp

Khi trường học xuất hiện F0, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, có thể chỉ cần phong tỏa ở phạm vi hẹp. Sau 24 giờ khử khuẩn, nhà trường có thể tổ chức hoạt động lại tại khu vực đó.

Tối 7/11, quận Kiến An (TP Hải Phòng) ghi nhận 2 trường hợp F0 là học sinh của Trường THCS Bắc Hà, có liên quan đến ca nhiễm ở phường Tràng Minh. Ngay sau đó, Phòng GD-ĐT quận Kiến An đã yêu cầu các trường học trên địa bàn rà soát các trường hợp F1, F2.

Đến sáng 8/11, quận Kiến An đã cho toàn bộ học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trên địa bàn quận tạm thời nghỉ học cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, học sinh sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Trước đó, ngày 19/9, chỉ sau 2 tuần bắt đầu năm học mới, các thầy cô và học sinh ở TP Phủ Lý (Hà Nam) đã phải vội đóng cửa trường vì phát hiện F0 trong lớp học.

Giáo viên và nhân viên trường Tiểu học Ngọc Tảo (TP Hà Nội) vệ sinh lớp học, ngày 6/11/2021. Ảnh: Quang Hùng

Phủ Lý hay Kiến An không phải là những địa phương duy nhất phải “bất dắc dĩ” dừng cho học sinh đến trường vì những ca COVID-19 phát sinh trong trường học.

Theo thống kê, cả nước hiện có 28 tỉnh, thành phố trong đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều địa phương khác cũng đã lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11. Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải điều chỉnh.

Hàng triệu học sinh trên cả nước đã ở yên trong nhà nhiều tháng ròng rã và đang tiếp tục học trực tuyến. Dịch bệnh COVID-19 đã dần được kiểm soát, tuy nhiên vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào, mà học sinh lại là đối tượng chưa được tiêm vaccine bảo vệ. Làm thế nào để giữ an toàn cho học đường trong dịch bệnh đang là câu hỏi lớn của cả xã hội.

Tại hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo để hướng dẫn các địa phương tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã ban hành nhiều hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Trong đó, bộ đã có công văn với sự thống nhất ý kiến của Bộ Y tế, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, tương ứng với các cấp độ dịch. Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác. Việc thực hiện nguyên tắc 5K trong đó đặc biệt là đeo khẩu trang, giãn cách trong trường học, cách ứng xử khi có F0 trong trường học… cũng mỗi nơi mỗi khác.

Theo bà Ngô Thị Minh, việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng.

Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định chưa thể dự báo dịch COVID-19 khi nào mới kết thúc và thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới hay không. Trong tình hình đó, các nước đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch, từ “zero COVID” chuyển sang đáp ứng với thời kỳ mới. Hiện đã có 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học.

Theo những quy định phòng dịch mới, công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch theo đó không còn cứng nhắc. Vì thế, ông Tuyên cho rằng địa phương cũng cần linh hoạt trong việc quyết định cho học sinh trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch của các địa bàn cấp tỉnh, huyện, thậm chí đến từng đơn vị cấp xã.

Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có thể thực chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24 giờ khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các tổ chức chính quyền địa phương nâng cao vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch từng trường; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế học đường, đặc biệt là cán bộ y tế thuộc trường ngoài công lập.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truong-hoc-xuat-hien-f0-co-the-chi-can-phong-toa-o-pham-vi-hep-post165895.html