Trường hợp nào được coi là tai nạn lao động?
Ông N.V.M. (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) thắc mắc, vừa tan ca về, ông bị tai nạn giao thông cách cổng công ty không xa. Vậy trường hợp của ông có được xem là tai nạn lao động (TNLĐ) không?
- Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, theo Điều 142, Bộ luật Lao động năm 2012, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Đồng thời, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì được giải quyết chế độ TNLĐ. Như vậy, trường hợp của ông Mến được xem như là TNLĐ.
Luật sư Tý hướng dẫn thêm, Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau: bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn...
Người lao động không được hưởng chế độ từ doanh nghiệp, từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau: do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Đoàn Phú (ghi)