Trường hợp người tu không được dùng 'thịt' và hành tướng của tâm khi ăn

Thế Tôn giảng về trường hợp 'thịt' được coi là hợp pháp, có quyền thọ dụng khi 'không thấy, không nghe, không nghi'. Bên cạnh đó, người tu hành sử dụng bữa ăn cũng cần có thái độ đúng đắn, đoạn diệt tham, sân, si, giữ vững sự hiện hữu của tâm xả.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

Nội dung được trích từ bài kinh Jìvaka (Jìvaka sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya)

I. Duyên khởi

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá (Rajagaha), tại rừng xoài của Jivaka Komarabhacca. Jivaka tới chỗ Thế Tôn và hỏi rằng có nghe nói “Vì Sa môn Gautama, họ giết các sinh vật. Và Sa môn Gautama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình”, những người này có nói chính lời Thế Tôn không hay là sự xuyên tạc.

Ảnh thiết kế bởi AI

Ảnh thiết kế bởi AI

II. Nội dung

1. Thế Tôn nói tới 3 trường hợp, "thịt" không được thọ dụng

Thấy cảnh giết hại vì mình, đem bố thí cho mình.

Nghe tiếng kêu la thảm thương của loài vật bị sát hại.

Nghi vì mình mà giết hại, để chuẩn bị cho mình.

Ba trường hợp đối lập, sẽ được thọ dụng thịt đó là không thấy, không nghe, không nghi vì mình mà có sự giết hại.

2. An trú tâm từ, tâm xả khi ăn

Một vị tỳ kheo, sống nương nhờ một làng, tâm luôn hiện hữu rộng lớn cùng khắp bốn phương, vô biên thế giới với lòng từ, không hận, không sân, quảng đại.

Một người cư sĩ, tới thỉnh vị tỳ kheo về nhà sử dụng bữa ăn.

Khi vị tỳ kheo đến, vị này không nghĩ rằng: “Thật tốt lành thay, người cư sĩ này thỉnh ta tới dùng các món thượng vị. Mong rằng trong tương lai vị ấy lại thỉnh ta dùng các món ăn khất thực.” Vị tỳ kheo ấy cũng không vì được thỉnh tới ăn mà khen mình, chê người, cho rằng các vị tu hành khác là thấp kém vì không được mời tới thọ bữa.

Vị tỳ kheo ấy sử dụng bữa ăn với tâm không tham trước, không đắm chìm, không đam mê, ý thức được rõ ràng về các tai họa của tham ái, nhận biết rõ rệt sự xuất ly.

Như vậy, vị tỳ kheo ấy trong thời gian thọ dụng bữa ăn, không nghĩ tới hại mình, hại người, hay hại cả hai và vị ấy ăn những món ăn mà không có lỗi lầm.

Cái tham, sân, si được khởi lên, vị đó nhận biết thấy và đoạn trừ cho tới tận gốc, không cho chúng có cơ hội tái sinh.

3. Người sát hại sinh vật vì mục đích đem tới cho người tu hành chứa nhiều phi công đức do 5 nguyên nhân

(1). Có ý nghĩ, mục đích, kế hoạch đi bắt sinh vật ngay từ ban đầu.

(2). Con thú bị tra tấn, bị tấn công, bị mang đi, bị lôi về (Quá trình bắt).

(3). Sau khi bắt và mang con thú về, vị ấy đạt mục đích sát hại.

(4). Con thú bị sát hại, bị cảm thọ nỗi khổ đau đớn đến chết (Quá trình bị sát hại).

(5). Đem thịt đó đi cúng dường cho nhà tu hành.

III. Lời kết

Đức Thế Tôn tuyên bố những lời thuyết mạnh mẽ về sự vu khống nói rằng chúng sinh vì Thế Tôn mà sát hại sinh vật để đem tới cho Thế Tôn thọ dụng.

Thế Tôn giảng về trường hợp "thịt" được coi là hợp pháp, có quyền thọ dụng khi “không thấy, không nghe, không nghi”. Bên cạnh đó, người tu hành sử dụng bữa ăn cũng cần có thái độ đúng đắn, đoạn diệt tham, sân, si, giữ vững sự hiện hữu của tâm xả.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

Tài liệu nguồn: Kinh Jìvaka (Jìvaka sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/truong-hop-nguoi-tu-khong-duoc-dung-thit-va-hanh-tuong-cua-tam-khi-an.html