Trường vùng sâu gặp khó trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2022-2023, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với khối lớp 3. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học ở huyện biên giới Bù Gia Mập đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thiếu giáo viên và trang thiết bị

Năm học 2022-2023, Trường tiểu học Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập có 18 lớp với 350 học sinh, trong đó khối 3 có 3 lớp. Đến thời điểm này, trường được trang bị 18 máy vi tính cũ và 1 giáo viên Tin học, cơ bản đảm bảo việc dạy và học. Đối với bộ môn Tiếng Anh, hiện trường chỉ có 1 giáo viên. Những năm trước, Tiếng Anh là môn tự chọn, mỗi lớp chỉ học từ 1-2 tiết/tuần thì 1 giáo viên có thể dạy dàn trải cho tất cả các lớp của trường. Tuy nhiên năm học này, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với khối 3 và mỗi lớp phải học 4 tiết/tuần. Với số tiết dạy theo quy định thì 1 giáo viên chỉ có thể dạy khối 3 và tăng cường thêm một số khối lớp khác. Do đó, đã hơn 2 tháng của năm học 2022-2023 trôi qua, một số lớp của trường vẫn chưa được học tiếng Anh.

Trường tiểu học Bù Gia Mập có 18 lớp học với 350 học sinh, chỉ có mình cô Lăng Thị Mơ phụ trách dạy môn Tiếng Anh

Trường tiểu học Bù Gia Mập có 18 lớp học với 350 học sinh, chỉ có mình cô Lăng Thị Mơ phụ trách dạy môn Tiếng Anh

Cô Lăng Thị Mơ, giáo viên dạy tiếng Anh Trường tiểu học Bù Gia Mập cho biết: Toàn trường chỉ có mình tôi phụ trách môn Tiếng Anh. Về cơ bản, trước đây 1 giáo viên có thể đáp ứng nhu cầu dạy và học tiếng Anh tại trường. Tuy nhiên năm học này, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, mình tôi không thể sắp xếp dạy hết được. Ngoài ra, trang thiết bị còn thiếu rất nhiều, từ phòng Lab đến dụng cụ minh họa nên cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học.

Tương tự, Trường tiểu học Đắk Á, xã Bù Gia Mập có 21 lớp với 426 học sinh cũng chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh, do đó chỉ đáp ứng nhu cầu dạy cho 4 lớp khối 3 và các lớp thuộc khối 4, 5. Các lớp thuộc khối 1 và 2 đều chưa được học môn Tiếng Anh. Còn môn Tin học, hiện trường đã bố trí 1 giáo viên nhưng chưa có máy vi tính. Vì vậy, mặc dù là môn học bắt buộc nhưng 120 học sinh 4 lớp học thuộc khối 3 hiện vẫn chỉ được học lý thuyết Tin học.

Trường tiểu học Đắk Á hiện vẫn chưa được trang bị máy vi tính, các lớp chỉ học lý thuyết mà chưa được tiếp cận thực hành môn Tin học

Trường tiểu học Đắk Á hiện vẫn chưa được trang bị máy vi tính, các lớp chỉ học lý thuyết mà chưa được tiếp cận thực hành môn Tin học

Cô Nguyễn Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đắk Á chia sẻ: Hiện trường chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh là thiếu so với nhu cầu. Môn Tin học mới được Phòng GD&ĐT huyện bố trí 1 giáo viên, tất cả học sinh đều đang học lý thuyết vì chưa có máy tính. Chúng tôi mong các cấp, ngành và Phòng GD&ĐT huyện quan tâm để trường sớm có đầy đủ điều kiện phục vụ dạy và học được tốt hơn.

Ưu tiên tập trung dạy khối lớp 3

Hiện nay, huyện Bù Gia Mập có 17 trường tiểu học với 435 giáo viên, thì 3 trường chưa có giáo viên môn Tiếng Anh, 9 trường chưa có giáo viên môn Tin học và thiếu 6 phòng máy dạy Tin học. Ngoài ra, chưa tính các trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh và Tin học, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hiện các trường đã chủ động ưu tiên tập trung dạy khối lớp 3 để đáp ứng yêu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Hiện môn Tiếng Anh và Tin học, trường chủ yếu chỉ tập trung dạy cho khối lớp 3 để đảm bảo theo quy định. Sang năm học tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho khối lớp 4 thì bắt buộc phải tăng cường thêm 1 giáo viên mỗi môn (Tiếng Anh và Tin học) mới đáp ứng được yêu cầu” - cô Đỗ Thị Lịch, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bù Gia Mập cho biết.

Đầu năm học 2022-2023, ngành giáo dục huyện Bù Gia Mập được đầu tư 2 tivi, 160 bộ bàn ghế, 72 bộ máy vi tính mới để tăng cường cho các trường. Tuy nhiên, số lượng này chưa “thấm” vào đâu so với nhu cầu dạy và học của các trường trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, trong năm học này, UBND huyện Bù Gia Mập đã thuận chủ trương mua sắm 300 bộ máy vi tính cho các trường còn thiếu, nhưng đang trong quá trình triển khai và chờ mua sắm tập trung một lần theo quy định. Để giải quyết khó khăn trước mắt, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường linh động điều tiết hỗ trợ giáo viên dạy tiếng Anh giữa các trường. Đối với môn Tin học thì trưng dụng các giáo viên có trình độ Tin học giảng dạy lý thuyết trong lúc chờ cấp máy vi tính.

Trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa các trường ở cùng địa bàn, trường có giáo viên tiếng Anh sẽ điều tiết hỗ trợ trường chưa có giáo viên bộ môn này. Tương tự đối với môn Tin học, trong kỳ I năm học này, các trường sẽ dạy lý thuyết cho các em trước, khi có máy về học sinh sẽ được thực hành bổ sung.

Ông Lê Văn Công, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Gia Mập

Thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đang là tình trạng chung ở nhiều trường vùng sâu, xa. Để đảm bảo dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành và các địa phương về đầu tư trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên cho các trường. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhất là tại vùng sâu, xa.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/138771/truong-vung-sau-gap-kho-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi