Truy trách nhiệm gây thất thoát trong xây dựng

Công trình xây dựng chậm tiến độ, đội vốn lớn nhưng không quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư, các nhà thầu... là mầm mống gây bức xúc xã hội

Sáng 18-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Công trình thất thoát vẫn an toàn!

Góp ý ở tổ vào dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, đại biểu (ĐB) QH Sùng Thìn Cò (Hà Giang) mong muốn sửa đổi đồng bộ, thống nhất giữa luật này với các luật khác để mang lại hiệu quả khi thực hiện. Trong báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện Luật Xây dựng đã chỉ ra khâu yếu, đó là quy hoạch chưa đầy đủ.

"Thẩm định quy hoạch nhiều khi chỉ làm trên hồ sơ mà chưa xuống thực tế. Khi phê duyệt rồi, việc thông báo công khai cũng chưa đầy đủ, quá trình tổ chức thực hiện chưa kịp thời nên vướng mắc nhiều. Dẫn đến khi thực hiện những dự án lớn, đòi hỏi giải phóng mặt bằng đã động chạm đến lợi ích của người dân, gặp khó khăn trong công tác đền bù. Có dự án tiền đền bù còn lớn hơn tiền đầu tư, thất thoát lớn..." - ĐBQH tỉnh Hà Giang phân tích.

ĐB Sùng Thìn Cò nêu quan điểm, đánh giá suất đầu tư của chúng ta thường cao hơn so với các nước trong khu vực. Các bộ trưởng trả lời do địa chất phức tạp, khó xử lý nhưng thực tế nhiều nước cũng có địa hình, địa chất như Việt Nam. Cần tính toán giá sát với thực tế để tránh thất thoát nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Từ quy hoạch đến thực hiện dự án, kết thúc và đưa công trình vào khai thác thì hầu hết các dự án đều phát sinh chi phí, có khi gấp mấy lần nhưng không quy định rõ trách nhiệm chủ đầu tư, cấp trên của chủ đầu tư, các nhà thầu, các bên liên quan... Đây là những mầm mống làm bức xúc trong xã hội, gây mất uy tín trong nhân dân.

ĐB Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) cũng đặt vấn đề xung quanh quy định chính sách, khi nhiều công trình định suất đầu cao, thất thoát lớn nhưng vẫn được kết luận là tuyệt đối an toàn.

Còn ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng câu chuyện "cắt ngọn" công trình vi phạm là vấn đề nóng, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu pháp luật nghiêm minh thì sẽ không xảy ra việc này. Theo ĐB này, "cắt ngọn công trình phải đồng thời cách chức vụ của những người có trách nhiệm".

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu các công trình lớn làm đội vốn, gây thất thoát, chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm còn nhiều

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu các công trình lớn làm đội vốn, gây thất thoát, chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm còn nhiều

Bộ Xây dựng quá tải

Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), thực tiễn xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển đất nước những năm vừa qua có rất nhiều bất cập, rào cản từ các luật, trong đó có Luật Xây dựng. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp nhưng những sơ hở làm đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm còn nhiều. Có một nghịch lý là công nghệ xây dựng cao hơn, chất lượng vật liệu tốt hơn, con người giỏi hơn nhưng tuổi thọ công trình lại ngắn hơn!

"Từ công trình Nhà hát Lớn và nhiều biệt thự thời Pháp sừng sững ở Hà Nội hàng trăm năm qua, cần đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều công trình hiện nay chưa nghiệm thu, chưa được quyết toán, chưa đi vào sử dụng nhưng đã bị hư hỏng, phải cải tạo?" - ĐB Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng dự án luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho 63 sở xây dựng ở các địa phương, bởi lẽ Bộ Xây dựng đang "quá tải" trong việc thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành và các dự án nhóm B trở lên của các tỉnh, TP. Nghĩa là có đến hàng ngàn dự án một năm tập trung ở bộ nhưng việc thẩm định thiết kế cơ sở rất ì ạch.

Các ĐB Đỗ Văn Sinh, Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị bộ, ngành chỉ nên làm công tác ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát. Ngoại trừ công trình quan trọng quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn thì Bộ Xây dựng mới thẩm định thiết kế cơ sở; còn lại phân cấp cho 63 sở xây dựng các tỉnh, TP.

Hôm nay, 19-11, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); thảo luận ở tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Chống trục lợi quỹ phòng chống thiên tai

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều là về quỹ phòng chống thiên tai.

ĐB Lưu Văn Long (Vĩnh Phúc) cho rằng đánh giá kết quả hoạt động của các quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh cho thấy có nhiều bất cập, chủ yếu sử dụng nguồn dự phòng ngân sách bố trí hằng năm. Nay dự thảo luật bổ sung quy định về quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương thì việc sử dụng quỹ này như thế nào, cần có thêm đánh giá tác động.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể đâu là thiên tai, đâu là "nhân tai", tránh sự nhập nhằng để trục lợi quỹ phòng chống thiên tai.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/truy-trach-nhiem-gay-that-thoat-trong-xay-dung-20191118213726548.htm