Truy xuất nguồn gốc tạo giá trị hàng hóa

Sơn La hiện có nhiều loại nông sản, hàng hóa đặc trưng đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Việc xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là hết sức cần thiết, giúp minh bạch thông tin, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Hội thảo định hướng xây dựng và phát triển hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Sơn La.

Hội thảo định hướng xây dựng và phát triển hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Sơn La.

Tết Nguyên đán 2021 vừa qua, đã có hơn 100 nghìn cành đào của các hộ trồng đào ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Yên Châu, Bắc Yên... được dán tem truy xuất nguồn gốc, đó là kết quả từ việc cụ thể hóa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngành Nông nghiệp diễn ra vào cuối năm 2020 về việc “Cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc trong dịp Tết...”. Theo đó, tỉnh ta đã đề xuất triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn khai thác, mua bán, vận chuyển cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 và các năm tiếp theo.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chính, Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát toàn bộ diện tích đào trồng trên địa bàn tỉnh, thu thập các thông tin về vùng trồng, địa chỉ nơi trồng... từ đó thực hiện việc cấp tem và cập nhật lên hệ thống truy xuất. Kết quả, có 9 huyện đăng ký cấp tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào, Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia lập tài khoản, kê khai thông tin, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho các hộ trồng đào đã được đăng ký. Đã có 140.145 tem truy xuất nguồn gốc được kích hoạt và bàn giao miễn phí; 4.357 hộ dân trồng đào được thiết lập tài khoản, khai báo thông tin về truy xuất nguồn gốc; trên 210.000 trường dữ liệu về cây đào được cập nhật trên Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc https://www.trace.gov.vn/.

Ông Nguyễn Tài Dũng, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chia sẻ: Gia đình tôi trồng đào từ năm 2012, vài năm trở lại đây, cây đào đã cho khai thác cành hoa để bán vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Tết Nguyên đán năm 2021, được sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, gia đình được cấp tem truy xuất nguồn gốc cây đào, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thương lái khai thác, mua bán, kinh doanh cành, cây đào.

HTX Cà phê Bích Thao được thành lập năm 2017, hiện các sản phẩm cà phê của HTX được tiêu thụ tại trên 40 tỉnh, thành trên cả nước, trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước trung bình 2.000 - 4.000 tấn cà phê nhân; xuất bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn cà phê rang xay, cà phê bột. Lượng sản phẩm cà phê cung cấp ra thị trường tương đối lớn, HTX đã chú trọng đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX, cho biết: Năm 2018, HTX bắt đầu triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của mình và giờ đây đối với các sản phẩm của HTX, chỉ cần dùng smartphone quét QR code trên sản phẩm là sẽ hiện lên website của HTX Cà phê Bích Thao với các thông tin về cơ sở sản xuất, các sản phẩm của HTX, các giấy chứng nhận mà HTX được cấp, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm và HTX không còn lo lắng việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái nữa.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, cho biết: Việc cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp nói chung giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, biết cụ thể sản phẩm đó do hộ dân nào trồng, trồng ở đâu và từ đó giúp người mua có thể xác định địa chỉ cụ thể và giúp cơ quan quản lý xác định được người dân trồng đủ điều kiện lưu hành trên thị trường hay không.

Đối với thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đến nay, tỉnh ta đã triển khai hỗ trợ tem điện tử thông minh, truy xuất nguồn gốc cho trên 100 doanh nghiệp, HTX được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Riêng năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 800.000 tem cho 40 HTX. Từ việc dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường thuận lợi hơn. Chỉ tính sản lượng nông sản an toàn mà các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Sơn La cung cấp vào thị trường Hà Nội, trung bình mỗi năm khoảng 75.000 tấn.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là nông sản có vai trò quan trọng, giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; đồng thời, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/truy-xuat-nguon-goc-tao-gia-tri-hang-hoa-39118