Truyện ngắn: Hạnh phúc

Tối nay ở lại làm thêm cho cô đi, hàng lại hết rồi… Sao dạo này bọn nó thích tặng nhau hạc giấy thế không biết? Nhưng cũng may, không thì cô cháu mình lấy cái gì mà đút vào mồm?

“Tối nay ở lại làm thêm cho cô đi, hàng lại hết rồi… Sao dạo này bọn nó thích tặng nhau hạc giấy thế không biết? Nhưng cũng may, không thì cô cháu mình lấy cái gì mà đút vào mồm? Cứ gấp nhanh tay lên các cháu à, xấu - đẹp cũng chỉ tương đối thôi. Đứa đi tặng thì cho vào hộp gói lại, có để ý gì đâu. Đứa được quà tặng giở ra, không lẽ thấy xấu lại chửi đứa tặng? Chẳng qua là cái mốt, “đú” theo cho ra vẻ… sành điệu ấy mà!” – Bà chủ nói một hồi như bắn súng liên thanh, cả nó và Mai há hốc mồm ra nghe rồi lại cúi xuống thoăn thoắt gấp những con hạc giấy bé tí xíu.

Mai hơn nó 5 tuổi và làm ở đây lâu rồi, dễ thường phải 2 - 3 năm ấy chứ. Công việc của nó và Mai là làm ra những đồ vật nho nhỏ, xinh xinh để làm quà tặng, rồi bà chủ sẽ đưa đi bỏ mối ở các quầy hàng bán đồ lưu niệm. Đổi lại, ngoài bữa ăn trưa miễn phí, tiền công nó và Mai được trả hàng tháng cũng chẳng đáng là bao. Nhưng dù sao, với những người như nó và Mai, có chỗ chấp nhận, có đồng tiền kiếm được từ sức lao động của mình là tốt rồi. Mai giống nó ở đôi chân khuyết tật và có chung sự mặc cảm với cuộc đời này. Bị bệnh từ nhỏ, một chân của Mai trở thành bại liệt nên khi di chuyển cả thân hình cô bé cứ nghiêng nghiêng về một bên như mấy chị biểu diễn thời trang tạo dáng. Nhưng so với nó, Mai còn sung sướng hơn nhiều, bởi nó chỉ có thể di chuyển được nhờ vào đôi tay…

Trong những lúc ngồi làm, chuyện nó và Mai hay nói đến nhiều nhất là sự bất công của ông Trời, của tạo hóa đối với nhân gian. Cũng bởi vậy mà nó với Mai chỉ muốn thu mình vào một góc trong cuộc sống. Nhiều lần chị em rủ rỉ với nhau, điều Mai ngạc nhiên nhất về nó là sự cam chịu. Nó không oán trách số phận như Mai dù khi sinh ra kiếp số nó đã gắn liền với đôi chân tật nguyền. Nó luôn nghĩ về nỗi khổ của bản thân mà nó thường luận ra nỗi đau của người khác. Cụ thể, nó luôn dằn vặt rằng, vì sự có mặt của nó trên thế gian này mà mẹ nó đã không thể có một cuộc sống hạnh phúc như những người phụ nữ bình thường khác. Các cô, các bác trong khu tập thể nó sống bảo rằng, bố nó đã bỏ mẹ nó khi thấy nó sinh ra không có đôi chân lành lặn…

- Chị à, tại sao người ta lại phải tặng nhau nhiều con hạc giấy như thế? - Nó thì thào hỏi Mai.

- Thì là để cầu chúc cho nhau những điều hạnh phúc mà! Nghe đâu, khi người ta muốn cầu mong cho những người thân của mình được hạnh phúc thì người ta gấp những con hạc giấy để tặng. Nếu gấp được một nghìn con hạc giấy thì điều ước ấy sẽ thành hiện thực…

- Láo toét cả! Thời đại tên lửa, du lịch cả lên vũ trụ thế này, ai có thời gian gấp cả nghìn con hạc giấy. Mà nếu mọi người đều có thời gian như thế thì cô cháu mình thất nghiệp à? – Bà chủ xen ngang vào câu chuyện – Bây giờ, bỏ tiền ra thì cả triệu con hạc giấy cũng được, chẳng tốn công sức mà vẫn có món quà… đầy ý nghĩa. Như thế gọi là hạnh phúc mua được bằng tiền – Bà chủ nói đến đó rồi cười the thé về cái lập luận rất đời của mình.

“Truyền thuyết nhiều khi chỉ là ước mong những điều không tưởng. Với những con người bất hạnh, đó như là cái phao bấu víu để vượt qua đại dương bao la, rộng lớn của cuộc sống mà tồn tại” - Mai vẩn vơ nghĩ trong đầu, đôi mắt chợt nhòe đi, những nếp gấp “con hạc giấy hạnh phúc” bỗng trở nên lung linh, huyền ảo… Rồi giật mình trở về với thực tại, Mai quay sang nó chậm rãi:

- Em à! Như chúng mình thế này thì có lẽ những điều ước là không tưởng…

- Các cháu cứ chịu khó mà làm, họ càng ước nhiều điều viển vông thì cô cháu mình càng kiếm được nhiều tiền. Khi đã rủng rỉnh trong túi thì có ước lấy chồng là Hoàng tử cũng đâu có khó! – Bà chủ lại xen vào câu chuyện của hai chị em.

Nó khẽ thở dài, câu nói đùa của bà chủ vô tình đã chạm vào nỗi đau của hai chị em. Những con hạc giấy mỏng manh được lồng vào trong các lọ thủy tinh xinh xắn, rồi thêm vào đó là những chiếc nơ cắt từ giấy trang kim lấp lánh phút chốc bỗng long lanh trong mắt hai chị em đang ướt nhòa. Đôi cánh hạc giấy bỗng vút lên giữa vũ trụ bao la rộng lớn, chở theo những ước mơ mỏng manh…

… Nó trôi bồng bềnh giữa những đám mây trắng muốt và phía trước là vàng rực ánh ban mai. Nhìn xuống bên dưới vẫn là đôi chân đau khổ của nó nhưng không còn thấy chiếc xe lăn nữa, thay vào đó là đôi cánh khổng lồ của hàng nghìn con hạc giấy kết lại, nâng nó lên khỏi mặt đất. Rồi nó được đặt xuống một thảm hoa rực rỡ nhưng nó loay hoay vì không thể tự mình đi nổi. Đàn hạc đã nối đuôi nhau bay về phía mặt trời, chỉ còn là những chấm đen bé xíu. Nó nức nở những giọt nước mắt đã kìm nén từ bấy lâu nay.

… Một bà lão phúc hậu, tóc trắng như cước cưỡi mây bước xuống bên nó dịu dàng: “Ta là Tiên, chuyên ban hạnh phúc cho trần gian”. Bà cúi xuống xoa xoa đôi chân nhỏ xíu đến lạ lùng của nó rồi hỏi: “Con cầu xin ta điều gì, hãy ước đi? Chim hạc sẽ mang điều ước ấy đến cho con…”. Nó níu vạt áo bà Tiên, thổn thức nghĩ về điều ước thì đám mây đã bồng bềnh rời xa. Nó định bật dậy chạy theo nhưng đôi chân của nó lại chẳng chịu nghe lời. Nó ngã dúi dụi trên thảm hoa rực rỡ ánh nắng. Nó nức nở và chợt choàng tỉnh giấc. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng lạ thật, nó sờ xuống đôi chân của mình, dường như trên đó vẫn vẹn nguyên hơi ấm từ bàn tay bà Tiên truyền sang người nó. Nó cứ ngồi vậy trong màn cho đến khi những giọt nước mắt đã khô. Một ngày mới đã tới và nó tin truyền thuyết là những chuyện có thật trong cuộc sống…

Ngày nào nó cũng chăm chỉ cần mẫn với những con hạc giấy cho đến khi chiếc xe lăn trở về nhà thì toàn thân nó mỏi nhừ đến tê dại. Mẹ không muốn cho nó đi làm nhưng nó không chịu. Nó lấy lý do đi làm cho vui và để cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Nó hiểu rằng, mẹ nó rất thương và chiều nó. Tất cả nghị lực còn lại của mẹ đều dồn cả cho nó, một đứa con không may mắn. Nhưng nó nghĩ, mẹ có hơn gì nó. Thấy người ta bảo, ngày ở chiến trường hình như mẹ nó cũng ở cái vùng bị nhiễm chất độc hóa học. Mỗi khi trái nắng trở trời, những cơn đau lại làm mẹ nó vật vã. Mẹ nghiến răng chịu đựng, mồ hôi trên người ướt sũng như tắm, còn nét mặt thì trở nên trắng bệch. Những lúc như vậy, nó chỉ biết ôm mẹ khóc…

Nó thì lớn dần nhưng mắt mẹ mỗi ngày một mờ đi. Mẹ không thể làm việc ở bộ phận may quân trang được nữa mà phải xin chuyển sang tổ đóng gói. Mấy cô, mấy bác cứ khuyên mẹ nghỉ chế độ, nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo vẫn phải cố gắng đi làm vì còn nhiều việc phải lo cho nó, một đứa con thiệt thòi của mẹ!

Mẹ đã ngủ say sau một ngày quần quật với công việc. Thời thị trường là vậy, không làm thì thôi, nhưng chấp nhận làm là chấp nhận như chiếc bánh răng trong một cỗ máy. Và mỗi chiếc bánh răng đều phải vận hành ổn thỏa nếu không muốn bị loại ra khỏi vòng quay cuộc sống.

Nó nhẹ nhàng trở dậy bật chiếc đèn bàn rồi cẩn thận che thật kỹ ánh sáng, không để mẹ thức giấc. Nó ngồi lặng lẽ gấp hạc giấy cho chính mình. Nó cẩn thận, nâng niu gấp từng con để gửi vào trong đó những nỗi niềm thầm kín từ đáy lòng. Nó vẫn nhớ lời bà Tiên đã hỏi nó trong giấc mơ. Nó đã có câu trả lời, và những con hạc giấy này sẽ chở ước vọng của nó đến với bà Tiên. Chỉ trong hai đêm, nó đã gấp đủ một nghìn con hạc giấy cho mình. Nó cẩn thận xếp tất cả vào trong chiếc hộp. Và nó chìm vào giấc ngủ với lời ước trên môi cùng những cánh hạc bay về phía mặt trời.

Nó hồi hộp trông chờ cái ngày ấy sẽ đến…

Hồi nó bé, mỗi năm cũng đôi ba lần bố nó ghé thăm hai mẹ con. Mỗi lần bố nó trở về nhà, mẹ nó thường lẳng lặng bỏ sang phòng các cô, các bác cùng khu tập thể. Chuyện ấy, mãi sau này, lớn dần nó mới để ý. Mỗi lần gặp nó, bố thường mua rất nhiều quần áo và bánh kẹo. Bố ôm nó vào lòng, khẽ vuốt tóc nó và thì thầm với nó rằng phải ngoan, phải cố gắng đừng làm mẹ buồn… Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy bố nhìn xuống hay có những cử chỉ quan tâm đến đôi chân lạ lùng của nó. Những lần bố về gặp nó chỉ là chốc lát rồi bố vội vã ra đi. Có nhiều lúc nó muốn khóc thật to để hét lên rằng, bố hãy ở lại với nó. Nhưng không, nó chỉ cắn răng và bậm môi lại. Mẹ cũng vậy, ngày nào bố đến là đêm ấy mẹ không ngủ, lặng lẽ, âm thầm… khóc không thành tiếng. Nó nhận ra điều đó vì đôi vai và chiếc giường hai mẹ con nằm cứ chao đảo nhè nhẹ. Mẹ cố nuốt nước mắt vào trong…

Lớn thêm một chút, nó hiểu rằng, mẹ chấp nhận bố về thăm nó là vì muốn tuổi thơ nó không bị buồn tủi. Rồi lớn lên chút nữa, nó từng ước bố đừng về thăm nó nữa để mẹ đỡ đau khổ. Cuối cùng, điều đó đã xảy ra. Mấy năm nay, bố không còn đến thăm hai mẹ con nó nữa. Nó tưởng rằng như vậy mẹ sẽ bớt buồn hơn. Nhưng không, mẹ vẫn âm thầm một mình một bóng và đôi vai gầy lại rung lên trong đêm để rồi sáng ra, dù đôi mắt sụp xuống, nhưng mẹ vẫn gượng gạo lẩn tránh cái nhìn của nó… Và nó lại mong bố sẽ trở về thăm mẹ con nó như ngày nào.

Chiếc giường và đôi vai gầy của mẹ nó không còn rung lên trong đêm nữa. Mắt mẹ nó đã có ánh vui, thi thoảng lại thoáng thấy má mẹ ửng hồng. Có những ngày nghỉ, mẹ đi đâu đó tới tận chiều tối mới trở về nhà. Lòng nó xốn xang quan sát những thay đổi của mẹ. Phải chăng như điều nó ước, hạnh phúc đã đến với mẹ? Nó chờ đợi ngày bố về nhà để khoe với bố rằng nó đã lớn, đã đi làm để phụ giúp mẹ thêm thắt cho cuộc sống. Bố sẽ về ở cùng mẹ con nó dưới mái nhà này.

Những điều nó mong vẫn chưa tới. Nhưng thi thoảng lại thấy mẹ nó tủm tỉm cười một mình, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. Phải chăng mẹ đã tìm đến với bố nhưng bố còn chưa thu xếp xong công việc? Trong đầu nó quay cuồng bao câu hỏi quá sức so với cái tuổi của nó.

… Rồi một ngày mẹ đưa một người đàn ông về nhà, nhưng không phải là bố nó. Nó nhìn xuống, một đôi nạng lê đi chậm rãi, lục cục, làm nó sững sờ. Trời ơi, hạnh phúc của mẹ đây sao? Một chiếc xe lăn của con chưa đủ để mẹ khổ hay sao mà lại còn thêm một đôi nạng gỗ nữa? Nó cắn răng, bậm môi và lao nhanh chiếc xe lăn ra ngoài căn nhà. Trời đất quay cuồng, đảo điên…

Đêm ấy mẹ đã kể cho nó nghe về tuổi trẻ của mẹ và mối tình đầu với con người ấy. Ở nơi chiến trường ác liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ diễn ra trong tích tắc, nơi tình yêu thiêng liêng và đẹp đẽ không mọt chút pha trộn những tính toán, hẹp hòi…. Mẹ nó và con người ấy đã thề nguyền ngày thống nhất sẽ sống bên nhau. Thế rồi theo hai cánh quân hướng về Sài Gòn, cho đến ngày giải phóng cả hai đều không một chút thông tin về nhau. Lần mò mãi cuối cùng mẹ nó cũng có được địa chỉ của con người ấy. Khi tìm đến, nhìn đôi nạng gỗ con người ấy đang mang vì những vết tích của chiến tranh để lại, mẹ đã lao đến… bởi không thể kìm nén được hơn nữa tình cảm trong lòng. Nhưng con người ấy đã dìu mẹ nó ra ghế ngồi rồi chỉ vào một cô gái đang có mặt trong nhà, giới thiệu với mẹ nó, đó là vợ của bác ấy…

Phải một thời gian dài sau đó mẹ mới có thể nguôi ngoai mối tình đầu và đến với bố nó. Rồi bây giờ mẹ nó mới biết, cô gái mà con người ấy năm nào từng giới thiệu là vợ chỉ là em gái của bác ấy. Trở thành người tàn phế sau chiến tranh, bác đã cố giấu mẹ mọi thông tin. Và bác đã làm như vậy chỉ vì muốn mẹ nó có hạnh phúc, không phải sống với bác ấy như một gánh nặng của lời thề và của cái “nghĩa” trong đời. Giờ đây có lẽ mẹ nó và cả con người ấy nữa mới tìm được hạnh phúc đích thực. Nó ôm lấy đôi vai gầy của mẹ. Cả hai mẹ con cùng rưng rưng những giọt nước mắt hạnh phúc.

… Có thể chuyện về những con hạc giấy chỉ là truyền thuyết nhưng với nó, nó luôn tin rằng trên thế gian này có bà Tiên hạnh phúc - bà Tiên của những con tim yêu thương và tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Hoàng Thu Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-hanh-phuc.html