Truyện ngắn: Nắng đỏ

Trưa nắng nhễ nhại, bà Tẻo ngồi bóc từng bắp ngô nham nhở cho đàn gà choai. Không tìm được dao con, bà tiện tay vớ ngay con dao nhọn

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Trưa nắng nhễ nhại, bà Tẻo ngồi bóc từng bắp ngô nham nhở cho đàn gà choai. Không tìm được dao con, bà tiện tay vớ ngay con dao nhọn chọc tiết lợn ra thái.

Lão Song vừa về đến nhà, đỗ xuỵch cái xe máy cub 81 cà tàng xuống ngay rệ sân. Nắng gắt gỏng khiến lão nóng máu, sấn sổ chạy đến: “Dao nghề của người ta mà bà tùy tiện thế hả?”. Vừa nói, lão ta vừa giật phắt con dao trong tay vợ đánh “phựt”. Bà “ối” lên một tiếng thất thanh cùng lúc máu trên tay bà chảy xuống tong tỏng như cắt tiết lợn. Lão cau có cất dao trong khi bà Tẻo cuống cuồng tự băng bó tay mình.

Bà Tẻo vốn là một người đàn bà hiền lành, chất phác và lam làm. Nhưng từ ngày lão Song, chồng bà xoay ra nghề mổ lợn, tính khí lão trở nên đôi lúc thất thường, suốt ngày uống rượu, say khướt, khiến bà rất buồn.

Một lát, chiếc xe rú ga nhả khói mù cả góc sân. Bà Tẻo lẩm bẩm: “Đang say mà phóng đi đâu không biết?”, bà thở dài sườn sượt…

Ngoài đường, xe cộ đi lại hối hả. Những chiếc xe công nông chạy như điên, khói bụi rầm trời. Bà Tẻo lại cặm cụi công việc với một cái tay băng bó. Bà đang nhẩm tính đàn gà choai hơn trăm con sẽ được xuất chuồng trong khoảng đôi tháng nữa. Tầm ấy nhiều đám cưới, bán gà sẽ được giá lắm…

Bà đang miên man suy nghĩ về cái món tiền dành dụm được trong mấy năm qua nhờ cái mảnh ruộng ngoài bãi quanh năm quay màu. Vậy mà năm nay thất thu. Mưa suốt, rau cỏ mất trắng, ngô thì chuột gặm nham nhở. Cái nghề “đao phủ” của lão chồng thì chẳng thêm thắt cho bà được bao nhiêu. Bà gàn chồng không được. Bỗng nhiên có một người đàn ông chạy xe xồng xộc lao vào sân, giọng khàn khàn gào lớn: “Nhà bà Tẻo có chuyện rồi… Lão Song bị tai nạn ngoài quốc lộ ngay đầu bãi…”.

Bà Tẻo giật phắt người, chồm lên hỏi: “Cái gì? Ai… ai bị tai nạn. Ông ơi?”.

Bà loạng choạng đứng dậy, hốt hoảng chạy ra thì người kia đã phóng đi mất. Bà lập cập lấy điện thoại gọi cho con. Bà méo sệch mặt khi điện thoại “tò tí te…”. Cuống cuồng, nhưng bà vẫn cố gọi đến lần thứ ba thì thằng Vũ mới bắt máy. Nó hốt hoảng, bực bội gầm lên trong máy…

Cứ chân chim, đầu trần vậy bà chạy bổ đi trong cái nắng chói gắt. Tới nơi, bà rẽ đám đông len vào. Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Lão Song nằm bất động trên vũng máu đầm đìa. Cái chân bẹp rúm, xương thịt be bét nhầy nhụa… Mặt bà tối sầm, mắt hoa lên không nhìn rõ thứ gì nữa. Bà ngất lịm!

Bệnh viện Việt Đức, lão Song tỉnh dậy sau một giấc mơ kinh hoàng dài như thế kỷ. Trước mắt lão là một màu trắng toát. Toàn thân đau nhức, không thể cử động. Đầu nặng trịch, lão thấy một bên chân hình như tê cứng, không nhúc nhích. Thử lấy tay cấu, không thấy đau. Lão tá hỏa kêu gào lên nhưng vừa lúc bác sĩ bước tới ôn tồn nói: “Chân bác bị thương nặng, chúng tôi bỏ đi rồi…”. Lão nhăn mặt. Hai mắt sưng húp nhíu lại ép kẹp vào khiến cho nước mắt chảy ra từng dòng đầm đìa trên khóe miệng tím dập. Lão đã cảm nhận được nỗi đau tê tái khi mất đi một phần cơ thể. Lão rùng mình nhớ lại khoảnh khắc bị xe đâm. Chiếc công-ten-nơ dài thườn thượt đã cuốn lấy đôi chân của lão như một con mãnh thú trong khoảnh khắc quay, nghiến ghê rợn. Rồi lão lịm đi trong đau đớn. Trong giấc mơ kinh hoàng, lão nghe tiếng lợn kêu chói tai lẫn trong tiếng gầm rú của xe cộ. Tay lão lăm lăm con dao nhọn chuẩn bị chọc tiết con lợn nái to khủng khiếp. Bỗng lão trượt tay, mất thăng bằng, ngã ngửa khi con lợn tuột hẫng khỏi cái dây trói chân, lồm cồm bỏ chạy. Vùng dậy, tay vẫn lăm lăm con dao, lão tóm được cái chân sau con lợn, mặt đỏ văng vẩy, cáu tiết khi nó vãi cả một đống phân bắn lên mặt mình, lão thẳng tay phạt một phát, tức thì cái chân lìa ra khỏi thân hình con lợn. Cả khối thịt gần hai tạ của nó đổ uỵch xuống đè xuống chân lão. Con lợn giãy đành đạch, kêu váng trời.

Bàng hoàng tỉnh dậy sau giấc mơ kinh hoàng, mặt lão đẫm mồ hôi. Bác sĩ kịp thời trấn an lão bằng một liều an thần…

Bà Tẻo cũng vừa tỉnh lại sau những giây phút hoảng sợ. Người ta đưa bà xuống phòng hồi sức. Thằng Vũ và thằng Trụ vừa tới nhớn nhác tìm chỗ bố mẹ nằm. Chưa tìm được, chúng lại chực choảng nhau một phen.

 Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Vậy là sau hơn tháng nằm viện, số tiền dành dụm được trong mấy năm qua đã “bay” hết sạch. Trở về với một chân cụt đến đầu gối và thân thể tiều tụy, lão chỉ muốn đâm đầu vào xe mà chết quách đi cho rồi. Bà Tảo buồn bã nhìn cái gia cảnh tồi tàn mà thở dài não ruột. Bà đang nghĩ không biết phải làm gì để nuôi cái gia đình bốn miệng ăn này cho qua cơn nguy biến. Hai thằng con lớn rồi mà vô học lêu lổng. Thằng Vũ 20 tuổi suốt ngày tụ tập chơi bời. Trước kia, nó thường phụ bố nó giết lợn rồi giết chó. Máu me rượu chè khiến nó ngày càng bặm trợn, bê tha. Mấy tháng trước, nó còn nghe mấy thằng bạn xấu rủ rê đi câu chó. Mấy chuyến trót lọt, bọn chúng tha hồ ăn nhậu bù khú đến nửa đêm gà gáy. Thấy anh có tiền tiêu xài, thằng Trụ, 17 tuổi cũng muốn đi theo. Thằng Vũ trợn mắt nói: “Mày nhát như thỏ đế, con chó nó sủa đã sợ thì làm được trò trống gì!”. Thằng Trụ nằn nì: “Anh cứ cho em đi thử một lần xem sao đi, anh…”. Thằng anh nạt: “Mày đi nó đuổi chạy són đái ra mà chết!”. Thằng Trụ ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Kể cũng sợ, nhưng mà các anh đã có súng xung điện làm nhanh gọn thế cơ mà, vả lại em còn khỏe hơn cả anh đấy, em chạy được, cứ cho em đi…”.

Thế là mấy hôm sau, một bọn bốn thằng rủ nhau đi. Bọn chúng đi lúc 22 giờ đêm mang theo súng xung điện tự chế có mũi tên sắc nhọn. Chó trúng tên sẽ bị điện giật bất tỉnh không kịp kêu. Dụng cụ tháo rào mở khóa nhanh như một nốt nhạc.

Hôm ấy, bốn thằng “cẩu tặc” hăm hở phóng hai cái xe máy như bay trên đường. Mục tiêu cách nhà khoảng 15 - 20 km. Tới nơi, bốn thằng chia làm hai ngả. Hai anh em thằng Vũ, Trụ đi một ngả; Hai thằng Thắng và Cố đi một ngả. Lúc ấy khoảng gần 3 giờ sáng, hai anh em thằng Vũ phóng vào làng ở phía Đông. Nghe nói làng này cũng nghèo nhưng nuôi rất nhiều chó. Vừa tới đầu làng, đã thấy chó sủa inh tai. Thằng Vũ bảo: “Thấy chưa, mấy con chạy ra đón mình rồi kia kìa”. Thằng Trụ cầm lái, thằng Vũ bắt đầu nhảy xuống… “thao tác”. Vũ dùng súng xung điện có mũi tên sắc nhọn, chó trúng tên bị điện giật bất tỉnh không kịp kêu. Nhanh chóng, Vũ hạ gục liền hai con rồi nhanh chư chớp cho vào bao tải nhảy lên xe thằng Trụ phóng vèo đi. Cứ như thế, ở cái thời điểm mà mọi người đang ngủ say, bọn chúng tha hồ tác oai, tác quái. Chỉ sau chưa đầy 50 phút, anh em thằng Vũ đã bắn được gần chục con, hai bao tải nặng. Hứng khởi, chúng phóng về luôn, không màng tới hai thằng Thắng, Cố ra sao. Sáng hôm sau mới biết, thằng Thắng bị bắt, bị đánh đập thê thảm, thằng Cố chạy được nhưng cũng suýt mất mạng vì bị một cú chém sạt đầu, bay cả một mảng tóc dựng đứng.

 Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

“Cái nghề bất lương, nhẫn tâm thế mà chúng mày cũng làm hả? Vũ ơi…”. Mẹ thằng Vũ rên lên sần sật khi thấy hai thằng lén lút mang chó về trong đêm. Bà lo lắng một ngày kia, hai thằng con bà cứ ham tiền mà liều mạng thế này thì không biết sẽ ra sao? Lão chồng bà thì đã què quặt nằm đó rồi. Nghĩ vậy nên bà ra sức can ngăn thằng Vũ. Hết sỉ vả lại ngọt nhạt phân tích lẽ thiệt hơn. Nhưng thằng Vũ để ngoài tai. Còn thằng Trụ cũng hơi sốt ruột nhưng nó phó mặc cho anh nó quyết định.

Lão Song nằm trong nhà rên ư ử, không dám ho he nửa lời bởi lão biết bây giờ mình thân tàn ma dại rồi, nằm đấy có nói cũng chẳng ai nghe.

Thế là, bất chấp tất cả, mấy hôm sau, hai anh em thằng Vũ lại rủ nhau đi. Hôm nay, chúng đi mạn Tây xem sao. Trời đổ gió ù ù. Những hàng cây cổ thụ hai bên đường cũng phải dạt ra nhường chỗ cho những cơn gió quái ác, hung hãn. Hai thằng cũng cảm thấy lành lạnh nhưng máu đã hăng lên rồi nên chúng cứ phóng như bay chẳng biết trời đất là đâu. Bỗng thằng Trụ thấy lâm râm đau bụng. Càng lúc càng đau nhiều hơn. Thằng Vũ bảo: “Mày xuống ngồi sau để tao lái cho”. Quả có đỡ hơn một chút. Nhưng thằng Trụ có vẻ bất an nói với anh: “Anh ơi, hôm nay đi em thấy nó cứ thế nào ý anh ạ.”. Tức thì thằng Vũ quát lên: “Thế nào là thế nào, cái thằng này, mày có câm ngay đi không, xúi quẩy!”. Im lặng một lúc, chỉ nghe có tiếng gió rít bên tai. Xa xa có tiếng chó sủa thưa thớt. Thằng Trụ giật giật vai áo thằng Vũ nói ngập ngừng: “Anh Vũ ơi… hay là… mình quay về?...”. Tức thì thằng Vũ phanh gấp, chiếc xe chúi về phía trước khiến đầu thằng Trụ đập mạnh vào gáy thằng Vũ. Cáu sườn vì đau và vì thằng Trụ nói gàng quải, thằng Vũ xuống xe, quay lại tát cho thằng Trụ một cái đánh “bốp”, miệng chửi không ngớt: “Cái thằng chó này, hôm nay mày làm cho bố mày cáu tiết quá! Không câm họng lại bố mày cho mày xuống rệ đường mà “hít đất” bây giờ… Thằng chó!”. Trụ im thít. Thế là một khắc sau chúng lại lên xe đi. Đoạn đường băng qua cánh đồng hoang vắng. Đêm về khuya, gió càng thổi mạnh. Tiếng con quạ đen kêu lên thê thảm mé cây đa cổ bên cánh đồng. Một lát, lác đác mấy hạt mưa âm thầm lạnh lẽo lẫn vào trong gió. Lúc này là 2 giờ sáng, bọn chúng đã tới một ngôi làng. Cảnh vật u ám trong mưa lạnh. Bầu trời tối đen như mực. Thằng Trụ lái xe nhè nhẹ vào trong làng. Có tiếng chó sủa. Thằng Vũ chỉ tay về phía trước giục: “Đi nhanh lên đi!”. Vừa lúc đó một con chó đen chạy tới, ngỏng cổ lên sủa. Tức thì một phát, nó ngã lăn bên vệ đường. Thằng Vũ nhanh chóng thu ngay “chiến lợi phẩm” vào bao. Đi tiếp một đoạn bỗng nhiên thấy bao nhiêu tiếng chó sủa. Hai thằng mừng rỡ tiến lên, tiến lên… Tiếng chó sủa râm ran… Bỗng từ trong ngõ hẻm có hai thằng đèo nhau xe máy lao vụt ra. Ngay sau đó là tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch rồi tiếng la ó bắt đầu nổi lên: “Bắt, bắt lấy nó, thằng trộm chó…”. Hoảng hồn, Thằng Vũ hét thằng Trụ phóng nhanh ngược lên. Thằng Trụ nghe không ra tưởng anh nó bảo quay vòng trở lại. Không ngờ, xe vừa quay lại rú ga đã chạm trán ngay một tốp người chạy tới. Cái gậy to và dài đập vào đầu thằng Trụ nhưng lại trượt xuống mặt thằng Vũ. Máu phun ra không ngớt. Thằng Vũ ngã rục xuống đường cùng con chó trong bao tải. Trong tình thế đó, thằng Trụ hoảng loạn chỉ còn biết rú ga chạy đi cho nhanh. Bọn người kia hè nhau đuổi theo nhưng không kịp. Họ quay lại chỗ thằng Vũ, thấy nó đang lồm cồm bò dậy định bỏ chạy thì bồi thêm cho vài gậy nữa. Thằng Vũ đổ ụp xuống như một thân cây mục.

 Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Bốn giờ sáng, thằng Trụ phóng về tới nhà, mặt cắt không còn giọt máu. Vứt xe ngay ở cửa, nó chạy một mạch vào buồng, đóng sập cửa. Cơn hoảng loạn sợ hãi khiến người nó run lên bần bật. Nó rên lên hừ hừ. Một lúc sau nó khóc thảm thiết. Mẹ nó đang ngủ bừng tỉnh chạy vào xem sao thì cánh cửa đã sập, không mở được. Bà vừa đập cửa vừa gọi con khẩn thiết: “Vũ ơi, Trụ ơi… mở cửa ra, mở cửa ra cho mẹ nào! Làm sao mà khóc… mà khóc ghê thế? Con ơi? Con ơi…”.

Lâu sau, thằng Trụ mới ra mở cửa. Người nó nóng ran như lửa. Hai mắt nó dại đi, mặt tím tái, hoảng loạn...

“Thằng Vũ đâu?”, bà hỏi trong khi dường như linh tính báo chuyện chẳng lành. Người bà bắt đầu run lên khi thấy thằng Trụ vừa khóc vừa run cầm cập, mếu máo: “Anh Vũ… Anh Vũ…”. Bà gắt lên lo lắng: “Anh Vũ làm sao???”. “Mẹ ơi… anh Vũ bị bắt rồi…”. Thằng Trụ lại khóc rú lên trong nỗi sợi hãi thê thiết. Một cơn gió bỗng ào đến. Tiếng con chim lợn trên cây đa cổng chùa kêu lên từng hồi ai oán như tiếng khóc, nghe rợn tóc gáy.

Vừa lúc đó, có tiếng chuông điện thoại. Bà lập cập bấm máy. Một giọng đàn ông cộc cằn, lạnh ngắt như một gáo nước lạnh hắt vào mặt bà: “Thằng Vũ chết rồi, đến mà nhận xác!”. Bà nghe chưa hết câu đã á khẩu, ngất lịm đi. Thằng Trụ vớ cái điện thoại gọi như điên dại…

Đám tang thằng Vũ đi trong mưa dầm, không còn ngôn từ nào diễn tả cho hết cái nhục nhã, thê thảm của cảnh tượng ấy. Chỉ có vài chục người kéo lê cái xe tang đi trong trời mưa sườn sượt. Không một tiếng khóc. Thằng Trụ như cái xác không hồn chường mặt ra hứng đủ mọi điều xấu xa, tồi tệ của thời tiết và của cuộc đời hắt đổ. Mưa rơi xối xả vào mặt nó như những cái tát phũ phàng mà thằng Trụ phải thay mặt gia đình nó hứng chịu. Mẹ nó, bà Tẻo thì vẫn khi tỉnh, khi mê ở bệnh viện, còn ông bố cụt chân lê la trong căn nhà tồi tàn rách nát uống rượu say mèm, khóc không ra tiếng.

Sau đám tang của anh, thằng Trụ ốm một trận thập tử nhất sinh. Nó nằm liệt giường, ho khù khụ dễ đến cả tuần. Nhờ họ hàng, làng xóm cưu mang, đùm bọc, thằng Trụ gượng dậy được qua cơn nguy biến. Nó nuôi ý chí sẽ làm lại từ đầu sau cái tai họa khủng khiếp ấy.

Trụ lầm lũi làm đủ các việc để duy trì cuộc sống cho cái gia đình ba miệng ăn. Nó lăn lộn trên mấy sào ruộng ngoài bãi, cố chăm cho đàn gà được xuất chuồng, dù chẳng còn bao nhiêu con sau một thời gian bỏ dài. Rồi lặng lẽ, nó lên chùa sám hối. Sư thầy thấy vẻ mặt buồn bã nhưng thành tâm của nó thì an ủi: “Hãy quên quá khứ buồn đi con, chú tâm vào hiện tại mà làm việc thiện, có ích cho mình và xã hội. Có như thế thì tâm mới dần dần thanh thản được. A di Đà Phật!”

Trụ càng ngày càng ít nói. Nó cứ lặng lẽ làm các việc. Sáng sớm, nó đã dậy chăm gà, lợn rồi chăm sóc bố mẹ. Hôm qua, trở trời, bố nó kêu đau mình mẩy, nó cõng bố đi vệ sinh rồi xoa bóp chân tay cho ông ấy. Mẹ nó giờ đã nhúc nhắc dậy làm được vài việc. Thằng Trụ càng ngẫm những lời sư thầy dạy càng thấy đúng quá: “Con hãy nên biết ơn cả những biến cố, tai họa của cuộc đời bởi nhờ nó mà con được thức tỉnh. Con hãy biết ơn cuộc đời cho con được sức khỏe để con được sống và làm việc, để có dịp chuộc lại lỗi lầm…”.

Có lẽ, mỗi chiêm bao là một lát cắt của kí ức hiện lên trước khi mờ nhòa tan vào dĩ vãng. Một hôm, Trụ mơ thấy mình gặp anh Vũ, mặt Vũ đầm đìa máu ngập ngừng đi vào tòa nhà cổ sâu hun hút trong khu vườn um tùm cây bồ đề, cỏ tranh mọc tua tủa. Qua mấy bức tường gãy nát có mấy con chó đen lầm lũi đi tản về phía xa. Vũ khóc không có nước mắt, mặt nhăn lại đau đớn mà nói với Trụ: “Mày quên tao đi, mày đừng làm việc ác nữa nhé, mình tao phải trả giá là đủ rồi…”. Nói rồi, Vũ tan biến vào lùm cây đen đúa nơi góc vườn rậm rạp.

Tỉnh dậy, Trụ bàng hoàng cả người. Nắng sáng đã rót lưng chừng cửa sổ. Chưa bao giờ Trụ ngủ dậy muộn như thế. Anh vội vã bật dậy làm các việc thường nhật. Đàn lợn hơn chục con đã lớn, sắp được xuất chuồng, đàn gà cũng chừng trên ba ký một con. Con chó Đốm ốm đói dạo trước nay cũng vừa đẻ một đàn con lúc nhúc. Trụ hăm hở đổ từng xô cám. Bọn lợn vỗ máng đôm đốp. Lũ gà gáy loạn xạ. Mẹ con con Đốm ý oẳng đòi ăn… Trụ thấy vui quá!

Hôm nay nắng đẹp. Tiếng loa phóng thanh của thôn đang gọi tên những thanh niên chuẩn bị lên đường làm nghĩa vụ quân sự trong đó có Trụ. Quần áo chỉnh tề, một loáng, anh đã có mặt trong đội ngũ thanh niên chuẩn bị lên đường... Mặt anh tươi tắn trong bộ quân phục bộ đội mới toanh. Trông anh thật chững chạc và đầy tự tin.

Bà Tẻo, mẹ anh cũng tới tiễn con lên đường nhập ngũ. Bà nói trong nước mắt: “Con đi yên tâm nhé, ở nhà đã có mẹ, ơn trời mẹ cũng khỏe rồi. Mọi thứ sẽ ổn cả thôi, con đi làm tốt nghĩa vụ với Tổ quốc nhé. Mẹ tin ở con!”.

Nắng chiếu rực rỡ trên khuôn mặt chàng trai hai mươi tuổi hăm hở lên đường. Nắng đỏ rực như một lời hứa…

Nguyễn Thị Tâm (Nguyên giáo viên Trường THCS Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-nang-do-post706200.html