Truyện ngắn: Tin nhắn xao lòng
Trang nhắn tin: 'Chú Huy mới mua ô tô đó dì út. Ghê chưa? Xe mới toanh, màu xám bạc. Làng mình trừ mấy nhà chạy taxi thì chú Huy là người đầu tiên mua xe hơi đi làm'.
Phương không trả lời tin nhắn của cháu vì quá sững sờ. Mua xe ô tô, ở thành phố cũng là sự kiện chấn động nói gì ở quê. Nhất là mới năm ngoái, Huy đã xây lại nhà. Vẫn là nhà cấp bốn trên nền nhà cũ nhưng rộng và khang trang hơn.
Lúc đến ăn tân gia, Trang đã cẩn thận quay video ngôi nhà mới của Huy gửi cho dì xem, còn hết lời khen Huy nào là chịu khó, tháo vát. Thấy Phương im im, Trang còn táo tợn: "Cháu xông vào được không dì?".
Phương không trả lời, Phương là dì của Trang nhưng chỉ cách nhau 4 tuổi, Huy cũng hơn Trang 4 tuổi, hoàn toàn thích hợp. Hơn nữa, nhà Huy với nhà Phương không có họ hàng gì, như lời Trang nói thì từ trước giờ chưa thấy Huy đưa ai về nhà bao giờ.
Phương nói "người ta đưa sao cháu biết" thì Trang cao giọng: "Dì mới ăn cơm gạo thành phố mấy năm mà đã quên sạch lề thói quê. Làng nào cháu không chắc chứ làng mình, đứa con trai nào mua cái quần jean 5 trăm nghìn là cả làng đều biết, nói gì đến mang người yêu về giới thiệu!".
Phương phì cười, Trang nói không sai chỗ nào. Làng Phương là thế, nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn nhưng chuyện người y chuyện nhà mình. Nhà ai có đám, có chạp là cả làng ai rảnh tay sẽ đến giúp, khỏi cần nhờ.
Hồi Phương biết tin đậu đại học, cả làng mừng cho Phương, người ta đến chơi còn không quên người này, người kia dúi cho Phương ít đồng nói "đi đường uống nước", "mua sách vở"… Đến khi Phương lên đường, tiền người làng cho đã là một số kha khá.
Tin Trang báo khiến Phương lơ đãng và có chút ghen tị cùng chạnh lòng. Đồng trang lứa với Phương, Huy là người khá nhất, Phương cũng không phải tệ nhất nhưng còn kém xa. Xa nhà gần chục năm, đến lúc này tạm gọi là ổn định, đã từng tính toán chi tiêu để mua trả góp một căn chung cư còn trên dự án, xe hơi là một tài sản Phương chưa bao giờ nghĩ tới.
Năm ngoái biết Huy xây nhà, Phương còn nghĩ xây nhà ở quê đơn giản, đất có sẵn, chỉ cần mua vật liệu xây dựng, nhân công lại rẻ. Lúc này, biết Huy mua xe hơi không phải để chạy taxi như những nhà mua xe trước đó, Phương mới công nhận Huy đã vượt qua Phương một quãng xa.
Dù không muốn, Phương cũng phải công nhận Huy giỏi. Anh mua xe để chở bố mẹ già khi đêm hôm, hay chuẩn bị cho gia đình nhỏ?
Phương thấy mình cũng cố gắng, tháng hai sáu hai bảy ngày đi làm đều tăm tắp. Ngày nghỉ phép thì dành để cuối năm về quê, để ở nhà với bố mẹ lâu lâu một tí. Có hôm người mệt mệt, Phương cũng ráng đi làm bởi nghĩ đến số tiền lương bị trừ cộng tiền chuyên cần thì bệnh mấy cũng phải lui.
Chưa kể sểnh nhà ra thất nghiệp, đi chơi tốn kém hơn đi làm. Nên ở thành phố cả chục năm, Phương chưa từng đến phố đi bộ. Chưa hề chụp tấm hình nào ở bưu điện thành phố... Quần áo một năm sắm hai bộ trước khi về Tết, ngày thường quay đi quay lại với mấy bộ đồng phục.
Hồi đi xin việc, Phương sẵn sàng chọn công ty xa hơn một chút nhưng gần bến xe buýt để khỏi phải đi xe máy. Xe buýt vừa tiện vừa rẻ lại không phải giữ gìn hay bảo trì, cũng chẳng cần bằng lái. Thậm chí sáng chiều lúc ở trên xe buýt, cô còn tranh thủ chợp mắt ít phút.
***
Một lần nào đó, trước khi Phương quyết định Nam tiến, Huy nói có khu công nghiệp đang xây dựng trên huyện, sẽ đầy việc để làm. Từ huyện về làng chưa đầy chục cây số, làm ở huyện sẽ được hàng ngày về nhà với bố mẹ, cơm nước không lo, nhà cửa không mất.
So với một thân một mình xa quê, ở trọ, một mình lụi cụi cơm nước thì ở lại làng, vừa kiếm sống vừa xây dựng quê hương chẳng hơn. Phương nghe, hiểu hết nhưng Phương thấy chán khi suốt ngày quanh quẩn ở làng, trong một không gian hẹp.
Phương muốn xem ngoài kia người ta sống thế nào, người ta làm gì. Ở làng, những người như Huy, như Phương được gọi là "hạt giống", được ưu ái. Phương không muốn thế, cô không thích cảm giác được ru ngủ, được trải thảm.
Và khi có một lỗi, một sai sót sẽ dễ dàng được tha thứ như kiểu đám Phương cần được nâng niu chứ không phải là nơi ký thác niềm tin và hy vọng của ngày mai. Phương không thuyết phục Huy, anh là con một, cần ở gần cha mẹ nên anh lựa chọn ở lại là đúng đắn. Phương thì khác, bố mẹ không cản, bố nói "Có cơ hội con cứ đi, khi nào chán thì về!".
Làng Phương, một ngôi làng cổ đầy bóng mát và cây xanh, bất cứ ở con ngõ nào dù lớn, dù nhỏ đều thấy cây xanh. Đường làng ngõ xóm lát bằng đá xanh, mùa hè đi chân trần cứ gọi là mát rượi. Có người như Huy ở lại, Phương đi cũng thấy mạnh chân hơn.
Hồi nghe nói khu công nghiệp sắp khởi công, Phương thấy buồn. Khói bụi nhà máy sẽ dần lấn át mảng xanh, nhà nhà người người bắt đầu lối sống công nghiệp và hiện tại cũng giống phần lớn những điều Phương nghĩ.
Người ta không muốn làm ruộng nữa, ruộng giờ được cho thuê, ruộng không còn là ruộng mà thành ao, thành vườn. Đứng ở đầu làng giờ không còn thấy cái bao la rộng lớn của cánh đồng mà tầm mắt bị cản bởi khu chuồng trại, vườn cây ăn quả…
Đơn giản như cái rổ, cái chổi giờ cũng là chổi nhựa, rổ nhựa. Giờ không ai ngồi tuốt lúa bện chổi, cũng không có nhiều thời gian chẻ giang đan quạt hay chẻ tre đan thúng mủng giần sàng. Cần gì ù ra chợ là có, màu sắc phong phú, kích thước đa dạng, còn rẻ nữa.
Huy không đồng ý, anh nói mọi người đều xứng đáng được sống cuộc sống văn minh tân tiến. Làng còn đó, màu xanh còn đó, có đi đâu mà mất? Khi ấy, hai người đã tranh cãi khá nhiều lần, cuối cùng Huy về làng, còn Phương bám trụ thành phố, cô còn chạy dọc đất nước vào tận thành phố sôi động bậc nhất phương Nam. Có lẽ từ khi đó, hướng nhìn, lý tưởng của Huy và Phương đã không còn chung hướng.
Tin nhắn của cháu gái khiến Phương xao động. Tự dưng Phương đặt câu hỏi, phải chăng cách nghĩ và hướng đi của Huy đúng? Làng phát triển hơn, đời sống được cải thiện, kinh tế khá hơn. Tất nhiên Phương không ảo tưởng nghĩ Huy mua xe chờ đón mình về.
Ngày cùng đi khỏi làng, Phương được Huy lo lắng, chỉ dẫn, chăm sóc, hẳn đã có một mầm xanh le lói nhưng cuối cùng mầm xanh ấy không có cơ hội để phát triển thành gì đó. Từ ngày người đi kẻ ở, Phương thi thoảng mới liên lạc với Huy, chỉ là lèo tèo vài tin nhắn qua lại chúc Tết, chúc sinh nhật.
Sáu năm kể từ ngày vào Nam, Phương về quê được ba hay bốn lần và không khi nào gặp Huy. Không biết anh tránh mặt hay phải đi công tác. Phương cũng không bận tâm, chào hỏi thì thành người làng còn không thì thành người dưng.
Làng thay đổi không ít, nhà mới mọc lên khá nhiều, chỉ có mình nhà Phương là vẫn giữ kiểu cũ giữa khu vườn rộng. Nay các nhà tầng mọc lên, nép vào một bên đất, bên kia hẳn là phần của anh em trai.
Bê tông rộng thêm, vườn thu hẹp lại, ngay bố mẹ Phương cũng có kế hoạch nếu xây lại nhà thì xây lùi ra sau và sát mé hàng xóm cho hết đất, chừa lại hẳn một nửa để mai này có bán cũng tiện. Phương cười buồn, các anh chị đều có gia đình và ra riêng hết, cái nhà này không nói cũng biết sẽ dành cho Phương.
Có lẽ vì vậy mà khi Phương báo tin sẽ mua nhà trả góp, cả nhà ớ người. Anh chị còn mắng "sao không nói với anh chị một tiếng, nhà đâu đến nỗi mà phải để em mắc nợ". Khi ấy, Phương đã từ chối hết, muốn tự mình lập thân và dường như còn muốn chứng minh cho Huy thấy, đường Huy đi đúng, đường Phương đi cũng đâu sai.
Nghe tin Huy, thật lòng Phương mừng cho Huy, anh đã chứng minh được mình đúng, anh chăm sóc bố mẹ và xây dựng quê hương. Phương cũng đang phấn đấu theo cách của mình.
Phương vốn chẳng cảm thấy cuộc sống của mình có gì không ổn. Ban ngày đi làm, tối đến lớp học thêm hoặc về thẳng nhà giặt giũ, quét dọn. Ngay bạn bè cũng thắc mắc Phương học gì học lắm, năm nào cũng thấy học.
Phương chỉ cười, tại rảnh quá không biết làm gì, tại thấy thứ gì mình cũng thiếu, tại hàng tháng món nợ ngân hàng cứ treo đó, buộc Phương phải luôn đi tới. Hai năm gần đây, Phương ít học hơn trước, nhận thêm việc về làm, thu nhập cũng theo đó tăng theo, những mối quan hệ cũng được nới rộng ra. Những khi ở nhà, cần hỏi thông tin về lĩnh vực gì, Phương có thể mở điện thoại, tìm và hỏi.
Những ngày ở thành phố, nếu hỏi Phương có ao ước gì, hẳn Phương ao ước sớm trả hết nợ, nhà sớm được bàn giao để chấm dứt những ngày phòng trọ. Căn chung cư của Phương có hai phòng ngủ, chưa gì mà Phương đã được bạn bè dặn cho thuê phòng còn lại.
Khi những mong ước đó của Phương thành sự thật, Phương sẽ mong những ngày chủ nhật sau đó mình được ngủ dài, ngủ đến khi tự tỉnh mới thôi.
Trang nhắn: "Dì có ý định về không? Con cũng muốn giống dì, được đi đây đi đó. Ở làng mình, dì là người xuất ngoại đầu tiên đấy! Con nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ con nói vào với dì cũng được. Ở đâu cũng phải học tập và lao động. Ông bà cũng muốn vào với dì ít ngày, nói dì bận rộn, đi lại xa xôi".
Phương mở cuốn nhật ký bấy lâu không đụng đến. Mấy năm qua, cuộc sống của Phương cứ một màu thế, Phương không biết tiếp theo mình sẽ muốn gì nên không có gì để viết. Nay Phương lật sang một trang mới, ghi mục tiêu tiếp theo của mình là đón bố mẹ vào ở cùng, sẽ là trạm dừng cho đám cháu nếu chúng nó muốn vào Nam.
Còn xe hơi, vẫn là để sau đi. Nói gì nói, mỗi lần ra đường thế nào Phương cũng gặp cảnh xe cộ đông đúc, nóng nực, có những ngày kẹt xe mấy tiếng đồng hồ. Phương cầm điện thoại, tần ngần rồi soạn tin. Chỉ là tin nhắn chúc mừng Huy mua xe, cũng như năm ngoái Phương chúc mừng anh xây nhà, hẳn không là đặc biệt.
Bạn bè mà, mừng cho nhau. Mừng cho quê hương đang trở mình vươn tới.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-tin-nhan-xao-long-20241104130830627.htm