Truyện ngắn: Trái tim biết yêu thương

Chi bước đi từng bước, mắt cô như dán xuống quãng đường ngổn ngang rác rưởi, lẫn trong đó còn có cả những kim tiêm dính máu.

Ảnh minh họa: Vietpink

Ảnh minh họa: Vietpink

Mỗi lần nhìn thấy chúng Chi lại rùng mình. Thằng Đen đi trước có ý đợi Chi. Nhận ra vẻ mặt kinh hãi của Chi nó hỏi:

- Chị sợ lắm phải không?

Chi ngước mắt nhìn nó không trả lời. Cô cúi xuống, cẩn thận bước qua đoạn gầm cầu dài vài mét để sang xóm Bãi Hoang. Trên cầu, tuyến đường sắt chạy ngang qua ngăn xóm Bãi Hoang với thành phố sầm uất.

Cái tên xóm Bãi Hoang xuất hiện vài năm nay, khi thành phố ngày càng phát triển. Xóm có vài gia đình, đa phần những người ở đây đều không có nghề nghiệp ổn định. Họ từ tứ xứ đổ về, sống bám vào thành phố, ở lụp xụp trong những căn lều bằng tôn, bạt tạm bợ.

Đàn ông, có người làm thuê làm mướn, có người nghiện ngập, trộm cắp. Đàn bà, có người buôn thúng bán bưng, có người làm tiếp viên quán rượu... Trẻ con không được đến trường học, hàng ngày rong ruổi đi bán vé số. Hình như bố mẹ những đứa trẻ này cũng không có ý định cho chúng đến trường.

Bởi vậy, xóm Bãi Hoang hầu như cô lập với thế giới bên ngoài. Người qua lại nơi đây chỉ là những cư dân trong xóm. Thậm chí, nhiều người không biết đến sự tồn tại của những nóc nhà trong xóm Bãi Hoang.

- “Chỉ đoạn này mới có kim tiêm chị ạ. Người nghiện lợi dụng gầm cầu để chích thuốc”. Thằng Đen giải thích. Nó chìa tay về phía Chi: “Chị đưa tay đây em dắt”.

Thằng Đen là cậu bé 9 tuổi, Chi gặp nó vào dịp hè năm ngoái, khi Chi vừa học xong năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm về nghỉ hè. Chi tản bộ trên quảng trường trung tâm, ngắm vẻ đẹp của thành phố quê hương sau khoảng thời gian đi học xa nhà. Có vài tháng mà thành phố của Chi trông sầm uất hẳn lên nhờ những tòa cao ốc sừng sững mới xây. Chi đang ngồi nghỉ ở ghế đá thì có giọng nói cất lên:

- Chị ơi cho em xin 10 nghìn, em bị nghiện.

Chi giật mình ngẩng lên, đó là một người đàn ông trung niên gày gò, hai mắt trắng dã. Gã ngửa tay về phía Chi để chờ đợi. Chi vừa bất ngờ vừa hoảng sợ, kinh hãi. Nhìn bộ dạng của gã, chẳng cần gã nói thì ai cũng đoán gã bị nghiện. Chi vội vàng mở ví, không có tờ 10 nghìn đồng, Chi định đưa tờ tiền mệnh giá 5 nghìn đồng thì hắn bảo:

- Chị cứ đưa cho em 50 nghìn, em trả lại chị 40 nghìn.

Không chờ Chi đưa, gã đã thò tay rút luôn tờ tiền 50 nghìn đồng trên tay Chi rồi đưa lại cho Chi hai tờ 20 nghìn đồng, sòng phẳng như một cuộc mua bán. Trước khi hắn quay người bước đi còn không quên nói câu: “Em cảm ơn chị”.

Cầm hai tờ tiền 20 nghìn đồng gã đưa, Chi cảm thấy sờ sợ. Đang tính gọi gã lại cho luôn thì một thằng bé đen nhẻm, tóc xơ vàng, trên tay cầm vài tờ vé số bước đến.

- Chị mua vé số đi chị.

Không hề suy nghĩ, Chi đưa luôn cho thằng bé hai tờ 20 nghìn đồng, cô nói: “Chị không mua, chị cho em”.

Thằng bé thản nhiên: “Chị sợ không dám cầm tiền của người nghiện đúng không?”.

Chi chưa biết trả lời ra sao, nó nói tiếp: Chú ấy ở gần nhà em, bị nghiện. Gần đây sức khỏe yếu không làm được việc nặng nên ngày nào chú ấy cũng đi xin tiền để mua thuốc đủ cho một ngày. Đi xin chứ chú ấy chưa trộm cắp của ai bao giờ. Khi xin, mỗi lần chú chỉ xin 10 nghìn đồng không hơn, không kém. Ai đưa hơn thì trả lại. Ai đưa một hai nghìn đồng thì không lấy.

Có lần em thắc mắc: “Sao chú lại trả lại” thì chú bảo: “Đường cùng tao mới phải xin. Những người tao xin toàn dân lao động nên tao chỉ xin thế thôi”. Dạo này chú ấy yếu hơn, có khi đang đi cũng khuỵu xuống nên em hay theo canh chừng và cũng là để bán vé số cho những người có tâm lý sợ như chị, không dám cầm tiền từ người nghiện.

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Thấy thú vị với câu chuyện của thằng bé, Chi đã mua nốt cho nó vài tờ vé số còn lại rồi trò chuyện cùng nó. Sau này thân thiết hơn, Chi biết thằng bé tên là Đen sống cùng mẹ ở xóm Bãi Hoang. Mẹ nó làm tiếp viên ở quán rượu thường xuyên đi làm đêm, ngày thì ngủ. Nó và mẹ ít khi ở bên nhau vì khi có nó ở nhà thì mẹ đi làm, lúc mẹ nó có nhà, nó lại đi bán vé số.

Cũng có nhiều người nói ra nói vào về công việc của mẹ nó. Có hôm cô Hoa sống một mình ở kế bên trong cơn say xỉn đã nói thẳng vào mặt nó: “Mày tưởng mẹ mày ngoan lắm hả? Chẳng qua cũng là cave thôi. Có gì hơn tao mà thằng Tuấn nghiện bênh dữ vậy”. Nói rồi cô Hoa loạng choạng bước vào căn lều lụp xụp của cô mặc kệ khuôn mặt tối sầm của thằng Đen ở phía sau. Đúng lúc đó chú Tuấn nghiện bước đến vỗ vai thằng Đen an ủi: “Con Hoa say nói linh tinh, đừng để nó chọc tức nghe mày”.

Thằng Đen chưa đi học, trong xóm của nó con Kẹo, con Su và thằng Vâu cũng chưa đến trường bao giờ. Mấy đứa ấy cũng chạc tuổi nó. Chi hỏi thằng Đen:

- Em có thích đi học không?

- “Có chứ”, thằng Đen trả lời rất nhanh như thể câu trả lời ấy luôn thường trực trong đầu nó: “Hôm nào em và mấy đứa cũng đến cổng trường thật sớm để nhìn học sinh đi học. Giờ tan thì lại đến nhìn học sinh đi về. Chúng em nhìn và ao ước được mặc lên mình bộ đồng phục đến trường giống các bạn.

Bọn em chỉ nói với nhau thế thôi nhưng cái Su nó thèm chiếc balo có hình công chúa màu hồng của một con bé đến mức cứ nhìn chằm chằm vào đứa ấy, nước dãi chảy dài hai bên mép.

Con bé kia thấy cái Su như vậy nó sợ quá giật tay mẹ: “Mẹ ơi, nhìn kìa”. Người mẹ theo hướng tay chỉ của con nhìn thấy cái Su, bà kéo vội đứa con lên chiếc ô tô đỗ cạnh đó. Sau lần ấy, cái Su không dám lại gần mà đứng thật xa để ngắm chiếc balo mà nó yêu thích.

Chi không ngạc nhiên với những gì thằng Đen kể, bởi nếu chỉ nhìn bề ngoài của mấy đứa trong xóm Bãi Hoang khó ai có cảm tình ngay được. Chúng bẩn thỉu, nhếch nhác, mũi dãi thò lò, tóc tai rối bù.

Chi hỏi: Nếu chị dạy chữ mấy đứa có chịu học không?

Thằng Đen đang đu đưa hai cái chân, nó ngồi nhổm lên ghế đá vẻ mặt hồ hởi: “Chịu chứ, chị dạy chữ cho bọn em thật hả?”. Chị đừng lo nhé, chị không cần sang bên kia đường tàu dạy bọn em đâu. Em sẽ bảo con Kẹo, con Su, thằng Vâu đến công viên để chị dạy.

Chi ngạc nhiên về kế hoạch của thằng Đen, chị hỏi nó: Có chuyện gì sao?

Thằng Đen thành thật: Có nhiều anh chị tình nguyện đến dạy học miễn phí cho mấy đứa em, nhưng các anh chị đã không đến chỉ sau một vài lần vì sợ: Sợ kim tiêm, sợ những thân hình gầy gò ốm yếu, sợ những cuộc cãi lộn ở xóm em…

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Chi chưa nghĩ đến tình huống ấy nhưng cô nhanh chóng đồng ý với kế hoạch của thằng Đen. Trong thời gian nghỉ hè, Chi sẽ dạy mấy đứa tại công viên thành phố vào thời gian 19 giờ, sau khi chúng đã hoàn thành công việc bán vé số trong ngày.

Chi đã bỏ những đồng tiền tiết kiệm của mình mua cho chúng đồ dùng học tập tối thiểu nhất. Buổi học đầu tiên, Chi đem cây kéo bắt từng đứa ngồi ngay ngắn để tự tay Chi cắt tỉa mái tóc xơ cứng, rối bù của chúng.

Chi đưa cho chúng lọ sữa tắm bình dân và bảo: “Phải chịu khó tắm rửa không được để bản thân bẩn thỉu, dễ sinh bệnh”. Thằng Đen hồn nhiên đề nghị: “Chị đổi cho bọn em bốn bánh xà bông để bọn em chia nhau”. Chi mỉm cười về sự rành mạch của thằng Đen.

Năm nay, là hè thứ hai Chi dạy bọn chúng. Cả bốn đứa đã thuộc bảng chữ cái, biết ghép vần, đọc chữ một cách chậm rãi, chúng biết đếm số và chìa ngón tay ra để cộng trừ…

Chi nhớ mãi hôm thằng Đen chỉ vào cái áo phông đỏ in hình ngôi sao vàng mà thằng Vâu đang mặc, nó đánh vần: “i-ê-tờ-iết, vờ-iêt-viết-nặng-Việt, a-mờ-am-nờ-am-Nam. Việt Nam. Tao biết rồi Vâu ơi, chữ này là chữ Việt Nam, không phải chữ “ngôi sao” như mày bảo đâu”.

Thằng Vâu học chậm hơn thằng Đen nên chưa rành lắm, nó lột phăng cái áo đang mặc, trải xuống ghế bảo thằng Đen: “Mày chỉ cho tao”. Vậy là con Su, cái Kẹo đang ngồi phía ghế đá bên kia cũng kéo cả sang cùng nhau đọc to: “ i-ê-tờ-iết, vờ-iêt-viết-nặng-Việt, a-mờ-am-nờ-am-Nam. Việt Nam”. “Tên nước mình bọn mày ạ”. Con Kẹo hồ hởi reo to như vừa phát hiện ra một điều vĩ đại.

Chi quyết định đi vào xóm Bãi Hoang một lần để tận mắt nhìn nơi ở của mấy đứa nhỏ mà Chi đã thân thiết trong suốt hai dịp hè vừa qua trước khi xóm của chúng bị phá bỏ.

Mấy tháng trước Chi có hỏi mẹ về việc làm thế nào để bọn trẻ được đi học. Mẹ Chi vốn là cán bộ phường nên rất am hiểu. Bà bảo phải có giấy tạm trú. Chi vui quá, đem lời của mẹ nói với mấy đứa, bọn chúng hồ hởi vui đến mức nhảy chân sáo. Nhưng hôm sau, mặt đứa nào đứa ấy buồn xo, chúng bảo bố mẹ chúng sợ bị đuổi, sợ chỗ ở bất hợp pháp của họ bị giải tán. Sẽ không có giấy tạm trú nào cả.

Chi băn khoăn: “Chả lẽ những đứa trẻ sống giữa thành phố hiện đại, sầm uất này lại phải chịu cảnh thất học?”. Chi đem băn khoăn đó về nói với mẹ. Mẹ Chi mỉm cười, ánh mắt bà chất chứa niềm tự hào về cô con gái của mình: “Vì trái tim biết yêu thương của cô, tôi đã làm đơn đề xuất phương án giải quyết dứt điểm cho mấy gia đình đang sinh sống tạm bợ ở xóm Bãi Hoang. Đó cũng là chủ trương của phường và thành phố. Dù sao mấy ngôi nhà lụp xụp ấy cũng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị”.

Rất nhanh, phương án đề xuất của mẹ Chi được sự đồng ý của cơ quan chức năng. Những gia đình trong xóm Bãi Hoang được đưa về ở chung cư dành cho người lao động có thu nhập thấp của thành phố. Có chỗ ở ổn định, có giấy tạm trú, bố mẹ mấy đứa sẽ làm ăn buôn bán đường hoàng chứ không phải trốn tránh, sợ sệt. Năm học tới mấy đứa sẽ được đến trường. Chi vui sướng như người đứng trong hầm tối nhìn thấy con đường đầy ánh sáng.

Thằng Đen dừng lại trước một túp lều lợp tôn, nó bảo: “Đây là nhà em”. Nó lôi cái ghế nhựa ra ngoài mời Chi ngồi. Xung quanh những túp lều khác, có vài cặp mắt chằm chằm nhìn Chi. Chi lộ rõ vẻ lúng túng. Thằng Đen giải thích: “Vì họ không nhìn thấy người như chị vào xóm này bao giờ”.

- Chào cô giáo, nhờ cô mà bọn nhỏ biết đọc chữ.

Chi giật mình quay lại, cái gã xin tiền hôm nào đang bước đến chỗ Chi.

“Bố con Kẹo đấy”. Thằng Đen nói nhỏ đủ để Chi nghe. Chi có chút bất ngờ: “Bí mật này mấy đứa giấu chị kỹ quá”. Thằng Đen bảo: “Con Kẹo không cho bọn em nói, nó sợ chị không dạy nó nữa”.

- “…Vì hoàn cảnh đưa đẩy, chúng tôi phải trôi dạt về đây. Nhờ có cô giáo mà bọn nhỏ sắp được đến trường”. Gã đàn ông trước mặt Chi vẫn đang nói, hôm nay trông gã có vẻ bớt gầy gò, đôi mắt không trắng đến phát sợ như lần trước. Qua lời của gã thì gã đã cai nghiện được một năm nay. Có nhiều lý do để gã nghĩ đến việc cần phải cai thuốc và một trong số đó là vì sự học của con.

Hè năm ngoái khi con Kẹo ra công viên học, nó sợ Chi biết bố nó chính là gã nghiện đã xin tiền Chi nên nó ra điều kiện với gã: “Bố phải cai nếu không cai, con không học”. Chi nghĩ thầm: “Gã đã đặt sự học của con lên trên những cơn vật thuốc. Thì ra người đàn ông trước mặt Chi cũng biết coi trọng cái chữ”.

Thằng Đen dắt Chi đi qua một lượt những nóc nhà lụp xụp. Phía sau, không xa xóm Bãi Hoang là dòng sông Cầu thơ mộng. Chỉ tháng sau thôi, xóm Bãi Hoang sẽ bị xóa sổ, trả lại cho thành phố mảnh đất thoáng đãng ven sông.

Bên trên đường sắt, đoàn tàu rúc hồi còi vang dội vào không gian. Đoàn tàu lăn những nhịp bánh sầm sập tiến về phía trước. Chi tưởng tượng một ngày nào đó đoàn tàu sẽ chở những đứa trẻ nơi đây đến với thế giới bao la rộng lớn, thế giới của những ước mơ, khát vọng. Ở nơi ấy những đứa trẻ sẽ tự hào đặt tay lên ngực và hô to hai chữ “Việt Nam”.

Vũ Thị Huế (Giáo viên Trung tâm GDTX Lương Tài, Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-trai-tim-biet-yeu-thuong-post707033.html