Truyền thông chính sách từ sớm, từ xa, tạo đồng thuận trong xã hội
Truyền thông chính sách (TTCS) là hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng'; có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước về mỗi một chủ trương, chính sách mới được ban hành. Vì vậy, những năm qua UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền từ trước, trong và sau khi ban hành chính sách, tạo đồng thuận trong xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, kiến thức về “Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.
Là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh về công tác tư pháp, hàng năm Sở Tư pháp đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, trong đó lồng ghép việc TTCS pháp luật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã phối hợp cùng Sở Tư pháp trong công tác triển khai luật mới một cách toàn diện, từ đó đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin về pháp luật của công dân.
Đơn cử như, thực hiện Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 22-1-2023 của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền rộng rãi và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến trong Nhân dân góp ý trực tiếp vào dự thảo luật; lấy ý kiến gián tiếp thông qua văn bản đóng góp ý kiến và thư điện tử; thông qua các hội thảo; qua các buổi tiếp xúc cử tri; các góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, giới luật gia, các nhà khoa học.... Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã tập trung phản ánh việc triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; đăng tải các ý kiến tham gia đóng góp của các cá nhân, các chuyên gia, các lão thành cách mạng và người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Kết quả, đến ngày 15-3-2023, toàn tỉnh đã tổ chức 7.865 hội nghị và nhận được 429.337 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đa chiều, chỉ ra các nút thắt, bất cập trong chính sách đất đai hiện hành, đồng thời cũng đưa ra nhiều ý kiến đề xuất giá trị để Luật Đất đai hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi về công tác TTCS, nhất là sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg, ngày 30-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức TTCS có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (viết tắt là Đề án), ông Phan Văn Đại, Trưởng Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp cho biết: Thời gian qua, Sở Tư pháp luôn chú trọng xây dựng tin, bài TTCS có tác động lớn đến xã hội đăng tải kịp thời trên Trang thông tin PBGDPL của tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cũng đã phối hợp với Sở Tư pháp để đăng tải các tin, bài về hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh; cử các báo cáo viên pháp luật của đơn vị tham gia đầy đủ các lớp tập huấn Sở Tư pháp tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, chủ động, linh hoạt và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong công tác truyền thông dự thảo chính sách. Ngoài ra, Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thông tin rộng rãi về nội dung những văn bản quy phạm pháp luật được lấy ý kiến để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.
Sau 1 năm thực hiện Đề án của Chính phủ về “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, những kết quả đạt được là cơ bản, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: Nhận thức của một số cán bộ, công chức về công tác truyền thông các văn bản dự thảo chính sách, pháp luật đang còn chung chung, chưa đồng đều nên công tác TTCS có lúc đạt kết quả chưa như mong muốn. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân có nơi, có lúc kết quả chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác TTCS, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác TTCS; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm TTCS, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong TTCS; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác TTCS, nhất là người đứng đầu. Không nên quan niệm TTCS là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Đồng thời, đẩy mạnh TTCS trên các phương thức truyền thông; tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác TTCS; xây dựng công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả TTCS; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; các lực lượng ở cơ sở cho công tác TTCS; chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên biển; xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác TTCS có năng lực, có chuyên môn, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử, hướng dẫn quy trình thực hiện TTCS.